Đam mê phượt của 'người đàn ông thú vị nhất thế giới'

Peter Freuchen cưỡi một đàn chó qua quãng đường 1.000 km trên đảo băng Greenland vào những năm 1910, giết chết một con sói bằng tay không.

"Gã khổng lồ" là danh hiệu gắn với nhiều người trên thế giới, nhưng nó thực sự là cụm từ chính xác dành cho Peter Freuchen hơn bất kỳ ai - một người cao tới 1m98 và sở hữu bộ râu quai nón rậm rạp như đàn ông Viking cổ đại. Ông được biết là nhà thám hiểm, tác giả sách, nhà báo, nhà nhân chủng học... nên một số tạp chí gọi Peter là "người đàn ông thú vị nhất thế giới".

Peter, đứng cạnh người vợ ba Dagmar Freuchen, đang mặc chiếc áo choàng làm từ lông của một con gấu trắng do chính ông giết. Ảnh: Irving Penn/The Irving Penn Foundation.

Peter, đứng cạnh người vợ ba Dagmar Freuchen, đang mặc chiếc áo choàng làm từ lông của một con gấu trắng do chính ông giết. Ảnh: Irving Penn/The Irving Penn Foundation.

Chào đời năm 1886 tại Nykøbing Falster (Đan Mạch), Peter là quý tử của một thương gia gốc Do Thái. Cuộc sống của Peter những năm trai trẻ cũng khởi đầu bình thường như bao người. Theo ý của cha, Peter đăng ký vào Đại học Copenhagen, dự định học ngành y dược. Nhưng trong khi cha định hướng cho con trai về một cuộc đời ổn định, Peter sớm nhận ra đó không phải thứ có nhiều ý nghĩa với mình.

Tới 1906, Peter xem vở kịch tại trường về một chuyến thám hiểm vùng cực và nhận ra những cuộc phiêu lưu đang vẫy gọi tâm hồn mình. Ông bỏ học ở tuổi 20 để theo đuổi cuộc đời phiêu bạt, lên thuyền hơi nước của đoàn thám hiểm Đan Mạch đến Greenland. 

Có người nhận định Peter dường như có tới 9 mạng khi sống sót qua những điều không tưởng. Ngay chuyến thám hiểm đầu tiên, trận tuyết lở khiến ông kẹt trong cabin tới 3 ngày và ngã xuống một khe nứt trong khi trú đông trên hòn đảo. Hay trong một chiều sương, đầu bếp của khu trại đã nhìn nhầm Peter thành một con gấu và suýt bắn trúng ông.

Một trong những lần Peter cận kề cái chết nhất là khi mắc kẹt trong trận bão tuyết, và phải xây hang tuyết trú giữa một tảng đá và xe chó kéo. Nhưng băng tuyết chôn vùi ông nhiều ngày trong nơi trú ẩn. Chẳng mấy chốc, thức ăn cạn kiệt còn hang tuyết biến thành cái kén lạnh bao quanh Peter đến nỗi hơi thở dần ngưng tụ thành băng giá.

Nhà thám hiểm này tự tìm đường thoát, bằng cách đóng khuôn phân của chính mình thành một cái đục và dùng nó đào xuyên bức tường băng giá để thoát ra ngoài. Lúc này, Peter nhận ra một chân của mình không còn hoạt động nên phải bò về khu trại trong 3 giờ. Khi đến trại, Peter nhận ra bàn chân trái đã hoại tử và cứng như một khối băng, nên tự cắt cụt nó mà không cần gây mê.

Thời gian này Peter có bạn đồng hành là Knud Rasmussen. Trên đường, Peter và Knud gặp thổ dân Inuit. Hai nhà thám hiểm giao thương với người Inuit, học tiếng và cùng họ đi săn. Người Inuit săn hải mã, cá voi, hải cẩu và thậm chí cả gấu Bắc cực, nhưng Peter không gặp quá nhiều khó khăn.

Peter và Knud lên đường để xác thực điều nhà thám hiểm người Mỹ khét tiếng Robert Peary từng tuyên bố, rằng một kênh đã chia cắt bán đảo Peary Land khỏi Greenland. Họ đã thành công khi chứng minh kết luận trên là không chính xác, nhưng suýt bỏ mạng trên chuyến đi dài 1.000 km vào trung tâm của lục địa băng giá bằng xe chó kéo. 

Cuối thập niên 20, Peter quyết định trở về Đan Mạch và gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội. Thậm chí Peter còn tham gia diễn xuất trong phim Eskimo (Mala the Magnificent), dựa trên một trong những cuốn sách của chính mình. Tác phẩm điện ảnh này sau đó giành giải Oscar.

Trong những năm 1930, Peter tiếp tục rong ruổi khắp nơi từ Nam Phi đến Siberia. Năm 1938, ông thành lập Adventurers Club tại Đan Mạch dành cho những người đàn ông đam mê thám hiểm. Câu lạc bộ này ban đầu chỉ có 10 người, và tồn tại tới ngày nay với hơn 100 thành viên.

Thế Chiến 2 nổ ra, ông tham gia cuộc kháng chiến của Đan Mạch chống lại Đức quốc xã, và cứu trợ người tị nạn. Nhưng chính Peter là người Do Thái nên bị Đức quốc xã kết án tử hình. Ông bị bắt ở Pháp, tra tấn và lấy mất chân giả nhưng cuối cùng vẫn trốn thoát sang Thụy Điển.

Suốt cuộc đời bận bịu với những chuyến đi, Peter kết hôn 3 lần. Năm 1911, Peter lấy người vợ đầu tiên là Navarana Mequpaluk, một phụ nữ Inuit. Navarana sinh hai con, một cậu bé tên Mequsaq và một bé gái tên Pipaluk. Khi Navarana mất trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1921, nhà thờ Cơ đốc từ chối cử hành lễ khâm liệm cô, vì vậy Peter phải tự tay chôn cất người vợ quá cố của mình.

Peter và Navarana (trái) cùng hai con nhỏ. Ảnh: Anothermag.

Peter và Navarana (trái) cùng hai con nhỏ. Ảnh: Anothermag.

Vợ thứ hai của ông là con gái giám đốc ngân hàng Đan Mạch, Magdalene Vang Lauridsen, kết hôn năm 1924. Gia đình Magdalene sở hữu Ude of Hjemme, tờ tạp chí sau này do Peter làm chủ biên trong vài năm. Nhưng cuộc hôn nhân của họ chấm dứt năm 1944.

Năm 1945, Peter gặp Dagmar Cohn, một phụ nữ cũng ấn tượng như ông. Dagmar là giáo viên, nghệ sĩ và đầu bếp nổi tiếng từng xuất bản nhiều cuốn sách và một trong những họa sĩ thời trang có tiếng tăm.

Vợ chồng ông chuyển sang New York (Mỹ) sống để thoát khỏi cuộc truy tố của Đức quốc xã. Tại miền đất mới, Dagmar làm việc cho tạp chí Vogue, còn Peter gia nhập câu lạc bộ của những nhà thám hiểm New York Explorer’s Club.

Năm 1956, ông lên sóng chương trình hỏi đáp The $64,000 Question và trở thành một trong những người thắng cuộc nhanh nhất, giành giải 64.000 USD.

Tới 1957, tròn 10 năm từ khi Peter gia nhập câu lạc bộ thám hiểm, thần chết cuối cùng cũng tới gặp ông. Peter lên cơn đau tim tại căn cứ không quân Elmendorf ở Alaska khi kiên quyết tự kéo hành lý lên một cầu thang dài. Ông tới Bắc cực lần cuối để thực hiện một bộ phim tài liệu về những chuyến đi trong đời. Người ta rải tro của nhà thám hiểm trên vịnh North Star của vùng Thule, nơi bắt đầu những cuộc phiêu lưu đầu tiên trong đời khi Peter lên con tàu đến Greenland.

Phạm Huyền (Theo Vintage News)

Let's block ads! (Why?)