Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Bamboo Airways bay thẳng đi Mỹ đảm bảo không lỗ’

Ông Trịnh Văn Quyết tự tin với mức vé khứ hồi đi Mỹ 1.300 USD, Bamboo Airways không lỗ và thậm chí vẫn cạnh tranh được với các hãng khác.

Bamboo Airways là một trong những hãng hàng không bày tỏ tham vọng mở đường bay đi Mỹ bất chấp những lo ngại rằng, hãng sẽ lỗ khi chưa có gì đảm bảo chắc chắn về lưu lượng khách. Tại buổi toạ đàm về đường bay thẳng đi Mỹ chiều nay (1/8), Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã nêu nhiều dẫn chứng để xoá tan lo ngại này.

Theo ông Quyết, tập đoàn đã tính toán kỹ lưỡng, trong trường hợp Bamboo Airways chưa nhận tàu bay, phải thuê một chiếc Boeing 787-9 thì tất cả chi phí cho đường bay thẳng Việt – Mỹ khứ hồi một tháng khoảng 113 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê máy bay hơn 23 tỷ đồng, xăng dầu 61 tỷ, chi phí kỹ thuật 16 tỷ, mặt đất 1 tỷ... Với giá vé 1.100 USD khứ hồi cho 240 ghế, Bamboo Airways sẽ thu về hơn 116,3 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí, ông Quyết tính toán hãng bay này lỗ khoảng 13 tỷ đồng một tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại sự kiện chiều 1/8. 

Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại sự kiện chiều 1/8. 

Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng, Bamboo Airways có thể tăng giá vé 100, 200 USD sau thời gian vận hành bay thẳng Mỹ đúng giờ, an toàn. Ông tính toán, với mức giá 1.300 USD, Bamboo Airways sẽ có lãi 8 tỷ đồng một tháng. "Như vậy, lãi phụ thuộc vào giá vé bán ra", ông Quyết nhận định.

Theo Chủ tịch FLC, ngay cả khi giá tăng lên 1.300 USD, vé khứ hồi của Bamboo Airways vẫn rẻ hơn các hãng trong khu vực như Japan Airlines (1.600 USD), Cathay Pacific của Hong Kong (trên 1.300 USD)... Trong trường hợp Bamboo Airways thuê máy bay Airbus A350, hãng có thể lãi đến 28 tỷ đồng một tháng với giá vé 1.300 USD.

Nếu số ghế lấp đầy không được như dự tính, ông Quyết chia sẻ, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Thay vì bay 17 ngày một tháng, hãng có thể dồn khách lại để bay 15 ngày. Thậm chí, Bamboo Airways cũng có thể bay qua nước thứ ba như Nhật Bản, Hàn Quốc... để đón thêm khách. Khi đó, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn bay thẳng.

Tuy nhiên, ông Quyết vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng nhu cầu bay thẳng Việt – Mỹ khi người Việt Nam ở bang California bằng một nửa dân số Singapore – quốc gia đang vận hành đường bay thẳng đến Mỹ. 

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá giấc mơ bay thẳng đi Mỹ của Bamboo Airways có hai màu sáng tối. Theo ông Lộc, bước đầu hãng có thể gặp khó khăn bước đầu nhưng về dài hạn tập đoàn FLC sẽ không lỗ với bài toán tài chính tổng thể...

Bên cạnh tiềm năng với hơn 2 triệu kiều bào tại Mỹ như ông Quyết nói, Chủ tịch VCCI nhận định, Bamboo Airways còn có nhiều nền tảng vững chắc khác để thành công. 

"Việt Nam đang có tiềm năng trở thành công xưởng thế giới, chúng ta muốn hướng tới công xưởng của thế hệ FTA mới với công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn thì sản phẩm của công xưởng này phải được vận chuyển bằng máy bay chứ không phải đường biển", ông Lộc nhận định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng bệ đỡ cho đường bay thẳng Việt – Mỹ là tiềm năng tăng trưởng du lịch Việt Nam mạnh, dòng học sinh Việt Nam du học tại Mỹ dẫn đầu so với các nước...

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhận định, Mỹ là một thị trường tiềm năng khi có đường bay thẳng, lượng khách đi lại sẽ tăng cao hơn. Ông cho biết, năm ngoái, lưu lượng hành khách bay giữa Việt Nam và Mỹ đạt 700.000 người. 

"Việc thiết lập đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ không chỉ mang tính thương mại, mà còn thể hiện năng lực của toàn ngành hàng không, quan hệ giữa hai nước", ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo này nói, để thực hiện ước mơ bay thẳng, tạo nên một thương hiệu, hãng hàng không phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác tàu bay.

Hiện tại, Bamboo Airways vẫn trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục cấp phép để mở đường bay thẳng đi Mỹ từ Hà Nội hoặc TP HCM. Hãng đặt mục tiêu có đường bay thẳng đến Mỹ từ đầu năm sau.

Anh Tú

Let's block ads! (Why?)