Giá dầu đã giảm hơn 20 USD từ khi lập đỉnh 4 năm hồi đầu tháng 10. Khi ấy, Brent lên gần 87 USD và WTI gần chạm 77 USD một thùng. Nhưng giờ đây, cả hai loại dầu này đều đang chìm sâu vào thị trường giá xuống, khi mất hơn 20% so với đỉnh một năm.
Dầu thô Mỹ đã có chuỗi giảm dài nhất hơn 3 thập kỷ, với 12 phiên liên tiếp. Hiện, mỗi thùng có giá 55,4 USD.
Theo giới chuyên gia, 4 nguyên nhân dưới đây có thể khiến giá dầu lao dốc.
1. Chứng khoán bị bán tháo
Diễn biến chứng khoán Mỹ và dầu thô Mỹ trong một tháng qua. |
Dầu thô lên đỉnh 4 năm do các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong OPEC. Số liệu hồi tháng 9 cho thấy từ khi Mỹ đe dọa trừng phạt Iran hồi tháng 5, xuất khẩu của nước này đã giảm tới 800.000 thùng mỗi ngày, làm dấy lên nhiều đồn đoán các công ty nhập khẩu dầu sẽ khó tìm nguồn cung.
Việc này đã khiến giá dầu dễ tổn thương khi chứng khoán lao dốc. Một tuần sau khi dầu chạm đỉnh, hai phần ba mã trong chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh. Việc này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo tài sản rủi ro, trong đó có các hợp đồng dầu thô tương lai. Dầu và chứng khoán không thường xuyên biến động song song, nhưng tháng trước, chúng có liên quan mật thiết đến nhau.
2. Triển vọng nhu cầu yếu
Hồi tháng 10, cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tiêu thụ dầu sẽ tăng chậm hơn dự báo, do các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại vì căng thẳng thương mại, lãi suất tăng và tiền tệ các nước mới nổi yếu đi.
Giới quan sát lo ngại nhu cầu dầu suy giảm tại các nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, khi giá dầu chạm đỉnh tháng 10. "Tại rất nhiều nước đang phát triển, giá thế giới cao trong khi nội tệ giảm so với USD khiến thiệt hại kinh tế càng nghiêm trọng", IEA tháng trước cho biết.
USD đã tăng 3% so với rổ tiền tệ lớn trong 2 tháng qua. Dầu thô, được niêm yết bằng USD, vì thế càng đắt đỏ với các nước ngoài Mỹ.
3. Sản lượng tăng
Iran là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong OPEC. Ảnh: Reuters |
3 nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đều đang bơm dầu với tốc độ gần kỷ lục. 15 thành viên OPEC cũng đang tăng sản xuất có kiểm soát.
Vài tháng gần đây, sản lượng của Mỹ đã chạm 11 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tốc độ của Nga cũng gần tương đương. Con số này của Saudi Arabia là 10,6 triệu thùng trong tháng 10.
OPEC, Nga và một số nước khác bắt đầu hạn chế sản lượng đầu năm 2017, để giảm dư cung và kéo giá dầu lên. Dù vậy, hồi tháng 6, họ đã đồng ý lật ngược kế hoạch, tăng dần sản lượng sau quá trình cắt giảm mạnh hơn dự định. Tăng sản lượng và nhu cầu yếu khiến giới chuyên gia dự báo nguồn cung sẽ áp đảo nhu cầu năm tới.
4. Các nước được tiếp tục nhập dầu từ Iran
Quyết định của Mỹ cho phép 8 quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran trong 6 tháng tới mà không bị trừng phạt đã xoa dịu áp lực giảm lên giá dầu.
"Việc này thực sự khiến cả OPEC và các đồng minh của họ bị động. Họ đang tăng bơm dầu, để bù đắp thiếu hụt dự kiến do xuất khẩu của Iran giảm, thì Mỹ lại cho phép một số nước tiếp tục nhập. OPEC đã nỗ lực đáng kể những năm qua để cân bằng thị trường. Nhưng giờ họ lại rơi vào tình trạng dư cung", John Kilduff - nhà sáng lập quỹ đầu tư năng lượng Again Capital nhận xét.
Khi tăng trưởng nhu cầu có thể giảm, và giá dầu đang lao dốc, OPEC và các đồng minh giờ lại cân nhắc một vòng cắt giảm sản lượng mới. Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết có thể cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày.
Hà Thu (theo CNBC)