Nhiệt điện Quảng Ninh dừng 2 tổ máy vì thiếu than

Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, đơn vị quản lý Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, từ giữa tháng 11 công ty này đã phải tạm dừng hoạt động 2 trong số 4 tổ máy vì thiếu than trầm trọng cho sản xuất. 

Ông Hạnh cho biết, theo hợp đồng cung ứng than đã ký giữa công ty và TKV, năm nay TKV sẽ bán cho Nhiệt điện Quảng Ninh 2,6 triệu tấn than (cộng trừ 10% dự phòng). Đến nay tập đoàn than đã cấp đủ cho nhà máy 2,6 triệu tấn than và đang cung ứng phần dự phòng 10% theo hợp đồng. Tuy nhiên theo tính toán nhà máy vẫn thiếu khoảng 145.000 - 200.000 tấn than mới đủ phát 4 tổ máy. 

"Đơn vị đã báo cáo lên Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và làm việc với TKV để tìm giải pháp khắc phục. Phía TKV cũng cố gắng sản xuất, tìm mọi nguồn cấp bổ sung cho nhà máy, song đến nay vẫn chưa có. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi", ông Hạnh nói.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Lãnh đạo Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết thêm, việc tạm dừng 2 tổ máy khiến nhà máy này mất khoảng 10 triệu kWh một ngày, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên nhà máy rơi vào tình cảnh thiếu than cho sản xuất.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh sử dụng công nghệ lò than phun với đầu vào nguyên liệu là than nội địa. Với đầu vào nguyên liệu duy nhất từ TKV, hoặc Tổng công ty Đông Bắc nên nhiệt điện Quảng ninh "vẫn trông mong TKV sẽ cấp đủ than cho nhà máy hoạt động". 

Hiện đang vào mùa khô, điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện sẽ được huy động tối đa lên hệ thống. Do đó, việc một số nhà máy đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất đã phần nào ảnh hưởng tới nguồn điện quốc gia. Dự kiến năm 2019 nhiệt điện chiếm hơn 48% lượng điện quốc gia.

Nêu quan điểm về việc thiếu than cho điện, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội cuối tháng 10, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV TKV thừa nhận "là thực tế và có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng". Theo Chủ tịch TKV, giai đoạn 2017-2020 nhu cầu than Antraxit cho Việt Nam, cho các nhà máy nhiệt điện đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, chiếm 40 triệu tấn một năm. Sản lượng này tăng lên vào năm 2021 - 2030 là 50-55 triệu tấn than, trong đó Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) sản xuất được 40-41 triệu tấn than.

Như vậy, trong ngắn hạn việc tăng 10-15 triệu tấn than Antraxit cho các nhà máy nhiệt điện, theo ông Chuẩn, là không khả thi. Điều này dẫn đến vấn đề thiếu than cho các nhà máy nhiệt diện là hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trong văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết một thực trạng đáng báo động là nhiên liệu than cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo EVN, tại các cuộc họp giữa các bên trước đó, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất. Tuy nhiên, thực tế lượng than cấp cho các nhà máy từ đầu tháng 11 tới nay vẫn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ.

Một vài ngày gần đây, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống rất thấp. Tập đoàn này đề nghị Chính phủ cho phép tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và chủ động nhập khẩu than.

Sáng mai (28/11), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cấp bách bổ sung than cho điện với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. 

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)