Hồi cuối tháng 10/2018, Tập đoàn SCG công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với 11,2 tỷ USD từ doanh thu bán hàng, tăng 7% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trong kỳ chỉ đạt hơn một tỷ USD, giảm 19%.
Riêng thị trường Việt Nam, doanh thu từ hoạt động bán hàng của SCG 349 triệu USD trong quý III/2018, tăng 18% so với cùng kỳ 2017, chủ yếu nhờ ngành kinh doanh hoá dầu. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của SCG tại Việt Nam đạt 989 triệu USD.
"Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm cho thấy sự tăng trưởng doanh thu bán hàng ở tất cả các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý giảm chủ yếu là do chi phí nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao.", ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SCG lý giải.
Dù không nói cụ thể nhưng một số ý kiến phân tích cho rằng, lĩnh vực bao bì là một trong những "nạn nhân" của chi phí nguyên vật liệu tăng mà ông Roongrote đề cập. Trong khi kinh doanh hóa dầu được nhấn mạnh như "con lợn béo" của SCG thì mảng bao bì lại chưa nổi bật. Tại thị trường Việt Nam, doanh thu bán hàng của SCG tăng trong quý III/2018 cũng chủ yếu nhờ kinh doanh hóa dầu, dù cũng đang sở hữu các công ty về bao bì giấy lẫn bao bì nhựa mềm.
Thực tế, SCG có thể sẽ khó ghi nhận sự đóng góp mạnh mẽ của mảng bao bì nhựa mềm trong tương lai gần từ thị trường Việt Nam, bởi biên lợi nhuận của ngành này đang tiếp tục mỏng dần do chi phí đầu vào liên tục tăng.
Quy mô thị trường bao bì nhựa mềm tại Việt Nam (đơn vị: triệu USD). Nguồn: StoxPlus |
Theo Báo cáo về thị trường bao bì nhựa mềm Việt Nam do StoxPlus mới công bố, quy mô thị trường của ngành bao bì nhựa mềm phức hợp năm 2017 đạt xấp xỉ một tỷ USD, tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, công nghiệp hóa dầu nội địa kém phát triển khiến các nhà sản xuất lệ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc tăng giá nhựa dẻo đã làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất trong năm 2017.
"Vấn đề cơ bản trong ngành công nghiệp bao bì nhựa của Việt Nam là thiếu hụt nguyên liệu thô nội địa dẫn đến sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhựa dẻo", báo cáo nhận xét.
Trong 5 năm gần đây, năng lực sản xuất polyolefin của ngành hóa dầu ở Việt Nam vẫn giữ mức ổn định, với sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm LG, SCG. Mặc dù công suất sản xuất dự kiến sẽ tăng vào 2019 và 2021, StoxPlus dự báo Việt Nam vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhựa dẻo, do nhu cầu của ngành nhựa nội địa ngày càng tăng.
Cụ thể, ngành nhựa sẽ cần 8,2 triệu tấn nhựa dẻo mỗi năm. Trong khi đó, sau khi tính tất cả dự án được quy hoạch, sản xuất trong nước sẽ cung cấp 2,34 triệu tấn, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước vào năm 2023. Do đó, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhựa dẻo nhập khẩu sẽ còn khá dài. Trước mắt, trong giai đoạn 2018-2022, nhu cầu về nguyên liệu nhựa dẻo sẽ tăng khoảng 9%.
Thị phần thị trường bao bì nhựa mềm tại Việt Nam năm 2016. Nguồn: StoxPlus |
Thị trường bao bì nhựa mềm của Việt Nam đang được chiếm lĩnh bởi 14 doanh nghiệp đầu ngành với 53,9% thị phần năm 2016. Một số cái tên có thể kể đến như Bao bì nhựa Tân Tiến, Liksin, BATICO, J.S Packaging và Saplastic. Trong đó, BATICA, hay Bao bì nhựa Tín Thành, được SCG mua lại bằng thương vụ trị giá 44,4 triệu USD vào năm 2015. Công ty này chiếm thị phần 5,6% bao bì nhựa mềm phức hợp vào năm 2016.
Vấn đề chung của hàng loạt công ty này là nguyên liệu thô chiếm trên 70% giá vốn sản phẩm. Vì thế, giá nhựa dẻo càng tăng thì lợi nhuận lại càng giảm. StoxPlus cho biết, lợi nhuận của các công ty bao bì nhựa mềm có xu hướng giảm kể từ năm 2016. Mặc khác, do sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này, các nhà sản xuất lại không thể tăng giá sản phẩm.
"Từ lúc giá nhựa dẻo tăng 7,0% trong năm 2018, StoxPlus cũng dự đoán được tỷ lệ lợi nhuận của các công ty bao bì nhựa dẻo trong năm 2018 cũng sẽ giảm theo", báo cáo viết.
Viễn Thông