“Hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang chậm lại. Các đơn hàng gần đây giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái”, Yoshimaro Hanaki - Giám đốc công ty sản xuát máy công cụ Okuma cho biết trên Nikkei.
Giai đoạn tháng 4 - tháng 9/2018, lợi nhuận ròng của Okuma chỉ tăng 36% lên 7,9 tỷ yen (70 triệu USD). Con số này thấp hơn 500 triệu yen so với kỳ vọng.
Tổng cộng, lợi nhuận ròng của các công ty Nhật đã công bố kết quả kinh doanh quý III chỉ tăng 0,5%. Mức tăng 7 quý liên tiếp trước đó là hai chữ số. Nửa đầu tài khóa 2018, tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với 23% cùng kỳ năm ngoái.
Nhà máy chính của Okuma tại tỉnh Aichi. Ảnh: Nikkei |
Bóng đen chiến tranh thương mại cũng đã bao phủ lên ngành ôtô Nhật Bản. Các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc và thuế nhập khẩu nhôm thép khiến 6 trên 8 công ty thuộc Toyota Motor có lợi nhuận ròng giảm.
Tại Trung Quốc, tốc độ giảm tăng trưởng lợi nhuận còn lớn hơn. Tổng lợi nhuận ròng của 3.500 công ty niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến (trừ công ty tài chính) chỉ tăng 7% quý trước so với năm ngoái. Con số này quý trước đó là 23%.
Các công ty bị tác động thuộc nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, vận tải biển - chịu tác động trực tiếp, đến các hãng bay - chi phí tăng do NDT yếu đi, và các hãng ôtô, chuỗi bán lẻ - do tiêu dùng giảm.
Lợi nhuận ròng của đại gia sản xuất thiết bị viễn thông - ZTE chỉ bằng một phần ba so với năm ngoái, do các lệnh trừng phạt của Mỹ với riêng công ty này trước đó vì xuất khẩu sang Iran, Triều Tiên. Hàng xuất khẩu của Cosco Shipping (Trung Quốc) cũng giảm 2%. Tổng giám đốc Wang Haimin đã cảnh báo hàng xuất sang Mỹ có thể còn giảm 10%.
China Southern Airlines cũng bị giảm 52% lợi nhuận ròng, do chi phí nhiên liệu và các chi phí khác bằng USD tăng lên khi NDT yếu đi. 9 tháng đầu năm, họ thiệt hại 2 tỷ NDT (290 triệu USD).
Chongqing Changan Automobile thì lỗ do tiêu dùng đi xuống. Doanh số bán ôtô mới tại Trung Quốc giảm liên tiếp vài tháng gần đây so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, lợi nhuận các hãng xe Trung Quốc giảm hai chữ số trong quý trước.
Dù vậy, nhiều công ty vẫn đang chống chịu khá tốt. Tại Trung Quốc, các công ty quốc doanh, đặc biệt trong các ngành như tài nguyên, thép và bất động sản đều có lợi nhuận khá vững.
Còn tại Nhật Bản, Sony là một trong các doanh nghiệp có lợi nhuận tốt. Lợi nhuận ròng nửa đầu tài khóa 2018 của hãng tăng tới 90%. Nhiều năm cải tổ cấu trúc đã giúp công ty này có nền tảng ổn định hơn, trụ cột mới - mảng game cũng đem lại nguồn thu đáng kể.
Hà Thu (theo Nikkei)