Thời gian qua, lô đất 4 mặt tiền rộng hơn 6.000 m2 tọa lạc tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) gây xôn xao dư luận không chỉ vì thuộc tài sản thoái vốn Nhà nước của Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), mà còn liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, khiến nhiều lãnh đạo cũ của thành phố bị khởi tố.
Bao quanh khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng là những tuyến phố sầm uất, đắc địa có một không hai của Sài Gòn. Bốn mặt tiền của lô đất này gồm có: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và một mặt tiền hướng ra Công trường Mê Linh.
Theo cổng thông tin định giá bất động sản Biggee.vn, giá đất đường Hai Bà Trưng cao nhất 1,13 tỷ đồng mỗi m2. Giá đất đường Thi Sách thậm chí ghi nhận mức giá trần 1,29 tỷ đồng mỗi m2 còn đường Đông Du có giá đỉnh xấp xỉ 1,28 tỷ đồng mỗi m2. Giá đất bình quân 3 tuyến phố này tại khu vực phường Bến Nghé cũng lần lượt dao động trong ngưỡng từ 932 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng mỗi m2.
Khu đất vàng tại số 2,4,6 đường Hai Bà Trưng (Phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) giữ vị trí đắc địa tại bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bà Trưng – Đông Du – Thi Sách và Công trường Mê Linh với diện tích 6.000 m2 - Ảnh: Hữu Khoa |
Theo một chuyên gia bất động sản có thâm niên gần hai thập kỷ quan sát thị trường địa ốc TP HCM, khu đất 4 mặt tiền đắc địa của Sabeco hội tụ rất nhiều yếu tố tạo nên đẳng cấp vượt trội.
Thứ nhất, đó là vị trí có một mặt tiền hướng sông (công trường Mê Linh), nơi có tầm nhìn thông thoáng để quan sát bến Bạch Đằng, đoạn đẹp nhất của sông Sài Gòn. Thứ hai, lô đất có nhiều mặt tiền đường (Hai Bà Trưng – Thi Sách - Đông Du). Thứ ba, thế đất tọa lạc giữa khu lõi trung tâm đẹp nhất thành phố. Với sự cộng hưởng của các yếu tố này, có thể nói, hiện nay lô đất bốn mặt tiền 2-4-6 Hai Bà Trưng được xếp vào nhóm đất có giá trị "kim cương" tại TP HCM.
Chuyên gia này ước tính, nếu chỉ định giá đất bình quân tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng là một tỷ đồng mỗi m2, cộng thêm tối thiểu 20% thặng dư do yếu tố 4 mặt tiền, thì tổng giá trị lô đất phải chạm ngưỡng 7.200 tỷ đồng. "Giá trị các bất động sản được xây dựng trên khu đất này sẽ không dưới ngưỡng từ chục nghìn USD mỗi m2 trở lên", ông nói.
Trong khi đó, theo định giá năm 2006 và được bảo lưu trong các báo cáo sau này của Sabeco, khu đất được ghi nhận giá trị gần 760 tỷ đồng. Đến năm 2015, tổng công ty góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl cùng 4 cổ đông để đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại đây. Công trình này cũng dự kiến trở thành tháp bia Sài Gòn mang tính biểu tưởng của Sabeco.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, tổng tài sản của đầu tư Sabeco Pearl đạt hơn 1.018 tỷ đồng (bao gồm quyền sử dụng đất của khu đất với giá trị 997 tỷ và một số chi phí khác). Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, Sabeco đã phê duyệt phương án thoái toàn bộ 26% vốn chủ sở hữu tại Sabeco Pearl, qua đó chính thức từ bỏ dự án "đất vàng" do vướng quy định không được đầu tư ngoài ngành.
Ngày 10/11/2018, Cổng thông tin Bộ Công an thông báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229, Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại TP HCM; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với năm bị can.
Đó là các ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch TP HCM); Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường); Lê Văn Thanh (56 tuổi, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM); Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) và ông Trương Văn Út (Phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên TP HCM).
Quyết định khởi tố được ký ngày 8/11, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) xác minh, giải quyết tin báo về tội phạm có liên quan đến khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Tổng công ty Sabeco).
Hà Thanh