Quen người bạn làm ở một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận 3, TP HCM, chị Thanh được người này chào mời gửi tiết kiệm với lãi suất "siêu ưu đãi". Theo đó, chỉ cần chị gửi số tiền từ 200 triệu đồng trở lên, với kỳ hạn từ 6 tháng thì bên cạnh mức lãi suất niêm yết (vừa tăng 0,2%), chị còn được ngân hàng cộng thêm tới 0,5% một năm.
Hiện lãi suất công bố của ngân hàng cho kỳ hạn 6 tháng là 6,7% một năm, khi chị Hoài đến chi nhánh gửi sẽ được nhận mức lãi thực lên đến 7,2% mỗi năm, kèm theo quà tặng là bộ áo mưa.
Theo lời nhân viên ngân hàng, nhu cầu vốn cuối năm khá cao nên có nhiều ưu đãi cho khách gửi tiền. Mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị khống chế, nhà băng không muốn niêm yết công khai mức quá cao so với mặt bằng chung vì sợ người dân nhìn vào nghĩ ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Do vậy, khi khách đến giao dịch thực tế sẽ được cộng thêm lãi suất so với bảng công bố.
Trong khi đó, chị Hoài - một khách hàng tại quận 6 vừa gửi một tỷ đồng ở chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP HCM). Kỳ hạn chị gửi là 3 tháng, được nhân viên thông báo lãi suất 5,4%, tức vừa tăng 0,2% so mức cũ. Như vậy mỗi tháng tiền lãi chị nhận sẽ tăng thêm 200.000 đồng. Tuy gửi ở ngân hàng này, chị Hoài không được cộng thêm lãi suất so với mức công bố như khách hàng phía trên, nhưng lại được tặng quà là các vật dụng hữu ích như mũ bảo hiểm, cốc uống nước...
Giai đoạn càng cuối năm, các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để hút khách gửi tiền. Theo đó, biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank áp dụng từ ngày 29/10 có điều chỉnh tăng 0,1 - 0,3% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, khách hàng gửi từ 3 đến 5 tháng đều được hưởng mức lãi 5,4% mỗi năm, tăng 0,2% so với trước. Những ai gửi theo các gói như an thịnh vượng, phát lộc thịnh vượng... còn được cộng thêm 0,1% lên 5,5%.
Giao dịch tiền mặt tại ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Anh Quân. |
Ngân hàng Quốc tế (VIB) mới đây cũng tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó áp dụng lãi suất lên tới 7,3% mỗi năm cho kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, nhà băng này còn tung khuyến mãi khi khách gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được nhân đôi lãi suất tháng đầu. Hiện lãi suất tiền gửi của VIB kỳ hạn 6 - 8 tháng là 6,2% một năm và khi gửi sẽ được nhân lên thành 7,23% mỗi năm. Thậm chí, Ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng mức lãi suất rất cao cho kỳ hạn một năm lên tới 8%.
Trước đó, 4 "ông lớn" trong ngành ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank cũng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức 0,1-0,3%. Với sự điều chỉnh trên, thậm chí lãi suất huy động ngắn hạn của nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng còn cao hơn một số ngân hàng khối cổ phần.
Chẳng hạn, ở kỳ hạn một tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank từ 4,4%-4,5% mỗi năm, cao hơn LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,3% một năm. Tương tự kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của 4 "ông lớn" là 5,5% một năm, cao hơn 0,2% so với LienVietPostBank.
"Gần đây, do nhu cầu vay của doanh nghiệp tăng cao, một số ngân hàng tăng lãi suất để thu hút khách gửi tiền, nhằm cân đối lại nguồn vốn", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam đánh giá.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, những tháng cuối năm các ngân hàng thường cần tiền để cho vay ra, do đó họ cần lượng huy động lớn, vì thế phải tăng lãi suất tiền gửi. "Đây là hiện tượng mang tính chu kỳ và năm nào cũng lặp lại. Với hiện tượng này, từ nay đến cuối năm. lãi suất cả huy động và cho vay sẽ tăng nhẹ”, ông nói.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, tính đến đầu tháng 10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay 17%, nhiều ngân hàng thương mại còn dư địa đẩy mạnh cho vay cuối năm. Đó là chưa kể một số ngân hàng hết hạn mức tín dụng đã xin thêm Ngân hàng Nhà nước. Mới đây nhất là trường hợp của Techcombank cho biết vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, ngân hàng này sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng tới.
Thông thường, nhu cầu vay vốn vào cuối năm của doanh nghiệp rất lớn, do đó, đây là dịp để các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, thu hút thêm vốn từ thị trường dân cư.
Bên cạnh lý do về thanh khoản, một số ngân hàng phải đẩy huy động vốn, trong đó có vốn dài hạn lên cao vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống 40% từ đầu năm 2019. Theo ông Hiếu, để đáp ứng yêu cầu này, các ngân hàng phải có bước chuẩn bị vốn để cho vay trung dài hạn nhiều hơn từ năm tới. Do đó, lãi suất cũng khó giảm thêm.
Lệ Chi