Chọn Bình Hưng (Cam Ranh) cho chuyến du lịch hè vào tháng 6, chị Trần Thu Trang đến từ Hà Nội, cho biết biển ở đây rất trong. Lúc đi tàu nhìn dưới mặt nước thấy màu xanh tím, chị nghĩ là san hô nhưng lại gần mới biết đấy là túi nylon đang trôi nổi lềnh bềnh khắp mặt nước.
"Mình đã đi nhiều biển và đảo ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ cảm thấy sốc như ở bãi biển Bình Hưng", chị Trang nói về cảnh túi nylon phủ kín bãi biển. "Sứa biển nylon" là có thật. Đến mắt người còn không phân biệt được thì chẳng trách sinh vật biển không biết đâu là rác, đâu là thức ăn".
Chị Trang ước tính, có đến 90% rác nổi trên mặt biển là túi nylon, ống hút nhựa, vỏ túi đựng khăn ướt, hộp cơm dùng một lần, vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo và số ít là lưới đánh cá.
Túi nylon trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Ảnh: Trần Thu Trang. |
Ông Hồ Văn Tấn, sinh sống trên đảo Bình Hưng cho biết rác biển nhiều lên trông thấy trong vài năm trở lại đây. "Trước đây biển cũng có rác nhưng năm chỉ có mấy lần biển động, đẩy rác từ ngoài khơi vào, dân trên đảo dọn dẹp vài hôm là sạch. Bây giờ túi nylon, chai nhựa trôi dạt đầy bờ, cứ dọn xong mai đầy rác".
Theo ông Tấn, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này có thể do lượng khách đổ về Bình Hưng tăng mạnh. Du khách, nhà hàng sử dụng nhiều túi nylon, hộp nhựa để đựng đồ ăn rồi tiện tay quăng luôn xuống biển. Rác thải sinh hoạt của người dân, rác từ các đảo khác trôi dạt vào tạo nên cảnh tượng này.
Chị Trang cùng nhóm bạn mất gần một buổi sáng để dọn rác trên 50 m bờ biển. Ảnh: Trần Thu Trang. |
"Chưa bao giờ mình cảm thấy những cảnh báo về ô nhiễm môi trường biển lại hiện hữu rõ rệt và gần kề như bây giờ", chị Trang bày tỏ.
Nữ du khách lo ngại, rác thải nhựa khi bị sóng biển và đá phá vỡ sẽ tạo thành các hạt vi nhựa, lúc đấy không chỉ nguy hiểm đến hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Vào mùa cao điểm, có hơn 1.000 lượt khách ra đảo Bình Hưng mỗi ngày. Tình trạng ô nhiễm biển không chỉ xảy ra ở Bình Hưng mà còn ở các đảo lân cận như Bình Ba.
Thiên đường du lịch Bali cũng đối mặt với ô nhiễm rác thải nhựa. Video: Guardian.
Theo nghiên cứu của ĐH Georgia (Mỹ) vào năm 2015, Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.
Những con số mới nhất được đưa ra trong sự kiện sự kiện Ngày Trái đất ở TP HCM vào 19/4 cho thấy trung bình, người Việt thải ra 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Khương Nha