111 triệu tấn phế liệu sẽ được xử lý thế nào khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Georgia, đến năm 2030, khoảng 111 triệu tấn nhựa đã qua sử dụng sẽ cần được chôn cất, tái chế, Bloomberg đưa tin. Trong khi đó, lượng phế thải từ nhựa ngày càng tăng lên.

Nhóm chuyên gia này cho biết, gần 80% lượng nhựa đã qua sử dụng được vứt vào các bãi rác hoặc ra môi trường, 10% được đốt cháy. Mỗi năm, hàng triệu tấn trôi nổi trên các đại dương, ngập các bãi biển và là mối đe dọa với phía bắc của Thái Bình Dương.

Trong khi, chỉ 9% loại chất thải này được tái chế. Riêng năm 2016, Trung Quốc đã xử lý gấp đôi lượng nhựa tái chế trung bình quốc gia này nhập về mỗi năm, tương đương 7,4 triệu tấn.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Ngoài Trung Quốc, rất ít quốc gia coi các loại phế thải như nhựa đã sử dụng là một loại hàng hóa có giá trị. Quốc gia này đã nhập khẩu 106 triệu tấn túi, chai, bao bì và container cũ, đạt giá trị khoảng 57,6 tỷ USD từ năm 1992 – năm đầu tiên những dữ liệu này được công bố.

Tuy nhiên, tình trạng này đã thay đổi gần đây khi Trung Quốc nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Quốc gia hơn 1 tỷ dân này tuyên bố đã gom đủ phế liệu và cảnh báo sẽ không nhập khẩu mặt hàng này nữa từ cuối năm.

Hiện tại, Trung Quốc đã chọn lọc hơn trong việc nhập nguyên liệu tái chế. Năm 2013, nước này ban hành một luật mang tên “Hàng rào xanh” nhằm loại bỏ những vật liệu lẫn với thực  phẩm, kim loại và các chất gây ô nhiễm khác. Do vậy, lượng phế thải nhập làm nguyên liệu tái chế vào Trung Quốc liên tục giảm cho đến cuối năm ngoái.

Từ thời điểm Trung Quốc cảnh báo sẽ ngừng nhập phế liệu, mặt hàng này đang tràn về nhiều quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, các cảng tại Việt Nam, đặc biệt là cảng Cát Lái (TP HCM) đang tồn đọng hơn 8.000 container phế liệu, rác. Đa phần các container này là tạm nhập về Việt Nam để tái xuất sang Trung Quốc nhưng bất thành.

Trước tình trạng trên, Tổng cục Hải quan vừa phải yêu cầu cục hải quan các tỉnh thành phố tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng ngưng nhận các container phế liệu nhập tại Cát Lái và Hiệp Phước từ đầu tháng 6.

Rác thải nhựa trên toàn cầu là một vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ. Kể từ khi bắt đầu sản xuất đầu những năm 1950, sản lượng nhựa tăng bình quân 2 triệu tấn mỗi năm và đạt 322 triệu tấn vào 2015. Do đó, nhóm chuyên gia tại Đại học Georgia nhận định, với tỷ lệ sản xuất này, thế giới sẽ không có cách xử lý hiệu quả.

“Nếu không có ý tưởng mới và chính sách quản lý, tỷ lệ tái chế hiện tại sẽ không thể đáp ứng trong thời gian tới vì phế thải chỉ có tăng chứ không giảm”, các chuyên gia tại Đại học Georgia nhấn mạnh.

8.000 container phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái

Anh Tú

Let's block ads! (Why?)