Valerio Vincenzo, nhiếp ảnh gia Italy đã dành 8 năm để đi khắp các quốc gia ở châu Âu. Anh muốn chụp lại đường biên giới giữa các quốc gia đã bị phai mờ dần bởi thời gian cũng như tâm trí của mọi người. Trên ảnh, phía trái là lãnh thổ của Đức, bên phải là Ba Lan. |
Lý do các đường biên giới này mờ dần là kể từ hiệp định Schengen được ký kết năm 1985, biên giới nội bộ giữa nhiều nước châu Âu dần biến mất. Công dân ở 26 quốc gia trong khối Schengen có thể đi lại qua các nước mà không cần giấy tờ, hộ chiếu hay thẻ căn cước. Trên ảnh, bên trái là đất của Italy, phải là của Áo. |
Du khách chỉ cần có visa của một trong những nước này cũng có thể dễ dàng đến thăm các quốc gia còn lại mà không cần xin visa. Trên ảnh, bên trái là lãnh thổ của Pháp, bên phải là Bỉ. |
Hiệp định Schengen đánh dấu bước tiến bộ lớn trong sự thống nhất ở châu Âu. Ngày 10/12/2012, giải Nobel Hòa bình vì thế cũng được trao cho liên minh châu Âu vì sự tiến bộ này. Bên phải là đất của Hà Lan, bên trái thuộc Bỉ. |
16.500 km biên giới giữa các quốc gia trong khối này vì thế mà cũng bị xóa mờ. Không mấy người dân còn quan tâm đến đường biên giới giữa các quốc gia. Trên ảnh, trái là lãnh thổ của Ba Lan, bên phải thuộc về Slovakia. |
Valerio đã cất công đi khắp nơi, với máy ảnh và thiết bị định vị, bản đồ chi tiết để chụp lại những nơi từng là biên giới giữa các nước. Để có được bộ ảnh này, anh đã đi tới toàn bộ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và băng qua các biên giới này hàng nghìn lần. Trên ảnh, bên trái là đất của Đức, bên phải là lãnh thổ của Áo. |
"Cái mà tôi thấy được hoàn toàn khác xa với khái niệm về biên giới mà chúng ta vẫn tưởng tượng như hàng rào, dây thép gai, lính biên phòng tuần tra. Bằng cách cho mọi người thấy về quang cảnh bình yên nơi biên giới, tôi muốn đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của các đường biên giới ngày nay giữa các quốc gia. Tôi cũng muốn nói đến các đường biên giới trong tương lai hơn là việc nhắc nhở về những hình ảnh trong quá khứ", nhiếp ảnh gia nói trên CNN.Trên ảnh, đất bên trái là thuộc Tây Ban Nha, bên phải thuộc Pháp. |
Vincezo cho biết việc sống hoặc đi du lịch vòng quanh các quốc gia châu Âu là điều từng không tưởng trong thời Chiến tranh Lạnh. "Tôi muốn cho mọi người thấy sự thay đổi triệt để này. Tôi cũng muốn mọi người nhìn lại quá khứ, thời điểm mà các quốc gia châu Âu "huynh đệ tương tàn" và ngày nay, khi tất cả các quốc gia đều tự do và tin cậy lẫn nhau". Bên trái là đất của Luxembourg, bên phải thuộc Bỉ. |
Dự án về các đường biên giới này của Vincenzo từng được trưng bày tại trụ sở UNESCO ở Paris vào cuối năm 2015. Bên trái là lãnh thổ nước Hungary, bên phải thuộc Áo. |
Các quốc gia Schengen: Ba Lan, Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Italy, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh châu Âu)
Ảnh: Amusing Planet.