Hơn hai mươi cửa hàng lớn nhỏ nằm tại con đường dài 200 mét giữa trung tâm quận 1. Video: Phong Vinh.
Đường Lê Công Kiều không còn xa lạ với giới chơi đồ cổ ở Sài Gòn. Chủ một cửa hàng tại đây cho biết, nơi này trước chủ yếu bán đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng… "Gia đình tôi kinh doanh ở đây từ sau Giải phóng, đến nay cũng hơn 50 năm", người này cho biết.
Con đường chỉ dài chừng 200 mét nhưng có đến hàng chục cửa hàng lớn nhỏ, bày bán nhiều món đồ cổ từ tiền, tượng Phật, những chiếc bình gốm thời nhà Nguyễn, nhà Thanh đến cả các món vật dụng như chén, đĩa, đèn măng-xông, bát nhang, lư đồng, bát nhang...
Có cửa hàng chuyên đồ đồng, có chỗ chuyên đồ gốm sứ. Xuất xứ hàng cũng tuỳ loại, có cả đồ từ các nơi trên thế giới. Người mua chỉ cần đi bộ và lướt nhìn là có thể khoanh vùng địa điểm để tìm món đồ theo ý muốn.
"Các món đồ thông thường ở đây có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng", anh Tâm, một nhân viên phụ bán tại đây cho biết.
Khoảng vài năm trước, đường Lê Công Kiều chỉ bán nhiều đồ đồng, đồ cổ và đồ giả cổ, sau này mới bán nhiều món đồ cổ cao cấp. Một người tiết lộ, khách chịu chơi có thể bỏ cả trăm triệu đồng để mua một món hàng.
“Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” là câu nói phổ biến được giới đồ cổ truyền tai nhau. Nghĩa là món đồ đó phải có kiểu dáng đẹp, chất liệu độc đáo, còn nguyên vẹn, không sứt mẻ và đặc biệt là thời gian, niên đại phải lâu.
Đồng tiền xưa là mặt hàng bày bán phổ biến nhất tại đây. Hầu như cửa hàng nào cũng có một khay trưng đủ các loại tiền, mệnh giá.
Các món đồ được sắp xếp theo chất liệu và bảo vệ theo niên đại. Nhiều món đồ quý được chủ sắp bên trong để tránh hư hao, mất mát. Một số cửa hàng còn bày bán luôn dưới đất, đa số là hàng lưu niệm, nhỏ lẻ, không phải quý hiếm.
Nếu là khách du lịch và có sở thích sưu tầm đồ cổ, bạn có thể đến tham quan hay mua quà mang về. Từ đây, bạn có thể dễ dàng tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, chợ Bến Thành hay dừng chân khám phá phố Tây Bùi Viện, nghỉ mát tại công viên 23/9.