Ngày 27/3, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng. Theo đó, cơ quan này yêu cầu chủ đầu tư các dự án chung cư xử lý dứt điểm những khiếu nại của cư dân.
Cụ thể, UBND TP yêu cầu, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại của người dân đối với chủ đầu tư dự án hoặc đơn vị quản lý vận hành, các đơn vị phải đối thoại, khẩn trương và chủ động giải quyết dứt điểm, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm giải quyết, UBND thành phố sẽ xem xét lại năng lực nếu chủ đầu tư đề xuất dự án đầu tư khác.
Cơ quan này cũng yêu cầu, các chủ đầu tư cần khẩn trương sửa chữa tòa nhà, căn hộ, khu sinh hoạt công cộng, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, phòng cháy chữa cháy, thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần bố trí phòng cộng đồng cho cư dân làm nơi sinh hoạt, hội họp. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo quy định.
Từ đầu năm 2017, tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội, từ nhà giá rẻ đến cao cấp. Các vấn đề tranh chấp cũng không chỉ xoay quanh nội dung thông thường như bàn giao không đúng tiến độ, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, làm sổ đỏ… mà còn nảy sinh những vấn đề như lựa chọn đơn vị quản lý, bầu ban quản trị.
Trước đó, do tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại. Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn giải quyết các vụ khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay các thông tin liên quan đến báo cáo này vẫn chưa được công bố và tình trạng tranh chấp, khiếu kiện ở chung cư vẫn rất căng thẳng.
Nguyễn Hà