Vụ khách mất 245 tỷ đồng - ngân hàng chờ phán quyết của toà liệu có thoả đáng?

Sáng 23/2, Eximbank đã có văn bản trả lời bà Chu Thị Bình - khách hàng bị rút mất 245 tỷ đồng, về yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm.

Nhà băng này dẫn văn bản số 387 ngày 12/6/2017 của C44, cho biết các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu tất toán sổ của khách hàng.

Ngoài ra, ngân hàng này khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.

Luật sư cho rằng ngân hàng chờ phán quyết của toà mới trả tiền cho khách hàng bị mất 245 tỷ là chưa thảo đáng. Ảnh: PV.

Luật sư cho rằng ngân hàng chờ phán quyết của toà mới trả tiền cho khách hàng bị mất 245 tỷ là chưa thảo đáng. Ảnh: PV.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, cơ quan này đã làm việc với Eximbank yêu cầu xác định nguyên nhân và rà soát lại tất cả quy trình về huy động cũng như cho vay để khắc phục các lỗ hổng nếu có.

Đối với trường hợp của bà Bình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã yêu cầu Eximbank làm việc cụ thể với khách hàng và có hướng giải quyết vụ việc. Về phương án đưa ra tòa, cơ quan quản lý cho biết tôn trọng quyết định giải quyết của Eximbank. Vì đây là ngân hàng niêm yết nên cũng có cái khó khi đưa ra quyết định cần phải thông qua cổ đông, vì vậy ngân hàng cần một cơ sở pháp lý để thực hiện đền bù cho khách hàng.

Trong khi đó, nhìn nhận vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, việc Eximbank muốn đưa vụ việc ra toà và chờ đến khi có phán quyết của tòa mới chi trả tiền cho bà Bình là không phù hợp. Bởi trong vụ việc này tồn tại hai quan hệ, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.

Với quan hệ dân sự, theo ông ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền cho dù bất cứ lý do gì. Bởi người gửi tiền chỉ tin tưởng và gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải với bất cứ cá nhân nào làm việc tại ngân hàng. Tiền khi gửi vào ngân hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ quản lý và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu mất mát, thất thoát thì ngân hàng phải bồi thường cho khách và không phải chờ phán quyết của toà án.

Với quan hệ hình sự, cần xác định ngân hàng - cụ thể Eximbank là bị hại, vì bị nhân viên là ông Lê Nguyên Hưng - nguyên Phó giám đốc chi nhánh TP HCM, lợi dụng khe hở để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Và khi nào tòa án phán quyết Eximbank là bên bị thiệt hại thì khi đó ông Hưng có trách nhiệm trả lại tiền cho ngân hàng.

Để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư, thông tin tài khoản ở các ngân hàng, kể cả cho vay hay tiền gửi. Hầu hết ngân hàng đều có dịch vụ kiểm tra biến động số dư thông qua tin nhắn, nên khách hàng cần chủ động đăng ký, theo dõi.

Theo thông tin ban đầu, từ năm 2013 đến nay, bà Bình có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng)

Tháng 2/2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà liên hệ để rút số tiền này thì Eximbank cho biết tiền gửi của bà không còn trong hệ thống. Sau đó bà kiểm tra lại toàn bộ các sổ tiết kiệm thì được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút hết 245 tỷ đồng, trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm.

Sự việc xảy ra được cho là do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM đã lợi dụng bà Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên người được ủy quyền nhằm rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà.

Thanh Lê

Let's block ads! (Why?)