Chiếc xích đu ông làm cháu chơi bất ngờ nổi tiếng thế giới

Treo trên ngôi nhà cây ở Ecuador, chiếc xích đu nhìn ra đỉnh núi lửa Tungurahua cao 5.023 m còn được biết đến với tên gọi “Xích đu tử thần”. Nhưng trước khi nổi tiếng thế giới, nó chỉ là trò chơi do ông Carlos Sanchez làm cho các cháu vui đùa. 

Sanchez là thợ điện đã về hưu kiêm nhân viên cứu hộ. Hiện ông là thành viên lớn tuổi nhất của Viện Địa lý Quốc gia Ecuador. Mỗi buổi sáng, trước khi mặt trời mọc, Carlos Sanchez, 75 tuổi lại cầu nguyện trong căn phòng nhỏ là nơi làm việc của mình. Sau đó, ông khoan thai cầm ống nhòm ra khoảng sân trước mặt, leo lên một ngôi nhà cây nằm chơ vơ trên một đỉnh núi thuộc dãy Andes. Từ đây, Carlos chăm chú quan sát sự hoạt động của núi lửa Tungurahua.

Sanchez sử dụng radio khi làm việc. Ảnh: Eliot Stein.

Sanchez sử dụng radio khi làm việc. Ảnh: Eliot Stein.

Nhiệm vụ của ông là quan sát núi lửa Tungurahua và mức độ ảnh hưởng của nó với thành phố Banos cách đó 8 km nếu phun trào. Nếu có hiện tượng gì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, Sanchez sẽ thông báo cho người dân trong thành phố để họ kịp sơ tán. 

Vào mỗi cuối tuần, gia đình Sanchez lại đến thăm ông. Để giúp các cháu có chỗ vui chơi, người ông đã làm một chiếc xích đu bên sườn núi từ ngôi nhà trên cây của mình. Kể từ đó, những điều lạ lùng và cũng đầy thú vị đã bắt đầu xảy ra. 

Vào ngày 1/2/2014, hai du khách đã ghé qua nơi ở của Sanchez, đó cũng là lúc núi lửa Tungurahua sắp hoạt động trở lại. Một người đã leo lên chiếc xích đu treo lơ lửng bên sườn núi của ông, người còn lại đã chụp lên một kiệt tác để đời: hình ảnh một người đàn ông đang chơi xích đu lơ lửng, phía xa là Tungurahua với cột tro bụi bốc cao 8.000 m.

Bức ảnh này đã xuất hiện trong một cuộc thi của National Geographic. Kể từ đó, những bức ảnh về ngôi nhà trên cây và chiếc xích đu sơ sài của Sanchez đã lan khắp thế giới.

Chiếc xích đu treo lơ lửng trên sườn núi trở thành đề tài được quan tâm trong cuộc thi ảnh của National Geographic. Ảnh: Sean Hacker Teper.

Chiếc xích đu treo lơ lửng trên sườn núi trở thành đề tài được quan tâm trong cuộc thi ảnh của National Geographic. Ảnh: Sean Hacker Teper.

Sanchez rất bất ngờ khi thấy mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về trạm quan sát của mình. Ban đầu chỉ là một vài người lạ mặt. Sau đó, số lượng du khách tới đây tăng dần. Mục đích họ ghé thăm không phải để chinh phục núi lửa Tungurahua, mà chỉ muốn được một lần ngồi lên chiếc xích đu bên sườn núi, phía dưới là vực thẳm. Mọi người gọi chiếc xích đu này là "xích đu nơi tận cùng thế giới" hay "xích đu tử thần", và cái tên này nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

"Tôi chỉ định làm chiếc xích đu đó cho bọn trẻ con có chỗ để chơi. Đôi khi, mọi thứ bỗng trở nên bùng nổ một cách thật bất ngờ", Sanchez nói trên BBC.

Mỗi ngày, Sanchez chào đón hàng trăm du khách ghé thăm nơi làm việc của mình. Họ đi theo con đường mòn mất 2 tiếng rưỡi leo lên đỉnh núi chỉ để tận mắt nhìn thấy La Casa del Arbol (Ngôi nhà trên cây), nơi có treo chiếc xích đu. 

Cũng nhờ chiếc xích đu này mà khu vực sườn núi xung quanh đã nhanh chóng trở thành điểm du lịch hút khách của Ecuador. Nhiều dịch vụ, điểm tham quan tương tự được mở ra để phục vụ du khách. Hiện Sanchez có một tập 14 cuốn sổ lưu niệm dày 200 trang, ghi kín lời nhắn bằng những thứ tiếng ông thậm chí còn không thể đọc.

Nguyên bản trước đây xích đu chỉ là tấm ván gỗ treo trên ngôi nhà cây. Tuy nhiên hiện nay để đảm bảo an toàn, người ta đã thêm vào dầm thép, đồng thời bổ sung thêm chiếc xích đu thứ hai. Ảnh: AmusingPlanet.

Nguyên bản trước đây xích đu chỉ là tấm ván gỗ treo trên ngôi nhà cây. Tuy nhiên hiện nay để đảm bảo an toàn, người ta đã thêm vào dầm thép, đồng thời bổ sung thêm chiếc xích đu thứ hai. Ảnh: Flickr.

Quay trở lại thời điểm của tháng 10/1999, sau một giấc ngủ dài suốt 81 năm, núi lửa Tungurahua bỗng thức giấc với một loạt vụ phun trào dữ dội. Khí nóng, tro bụi và đá rơi từ đỉnh núi xuống các ngôi làng gần đó. Theo lệnh của tổng thống Ecuador lúc bấy giờ, gia đình Sanchez và 16.000 người dân khác ở Banos phải sơ tán. Họ chỉ có đúng 4 tiếng để thu dọn mọi thứ mang theo, cũng như không biết bao giờ mới có thể quay về nhà.

Hai tháng sau đó, Sanchez một mình lái xe quay trở về quê nhà, dù chưa có lệnh của chính phủ. Các tòa nhà đều bị bỏ hoang, các con phố còn vương đầy tro bụi núi lửa. Banos, nơi Sanchez sinh ra và lớn lên, vốn sầm uất nay đã trở thành một thành phố ma. Tuy nhiên, nhà cửa ở đây không bị thiệt hại nặng nề.  

Sanchez tự hỏi không biết đàn gia súc của nhà mình giờ thế nào. Ông đánh xe tới cánh đồng, và thấy những con bò vẫn bình thản gặm cỏ trên sườn núi. Trang trại của những người hàng xóm cũng không bị tổn hại nhiều. Giây phút ấy, Sanchez đã quỳ gối và thề trước Đức mẹ Maria, rằng ông sẽ ở lại nơi này để canh chừng núi lửa và bảo vệ người dân sống trong thung lũng. Chỉ đến khi nào Tungurahua ngưng hoạt động, Sanchez mới từ bỏ.

Cũng chính vì lời thề đó mà suốt 19 năm qua, ông đã ở lại bên đỉnh núi bên rìa thung lũng để quan sát núi lửa. Sanchez đã bắt đầu dựng lên một trạm giám sát trên đỉnh một ngọn núi với tầm nhìn hướng về Tungurahua, cùng ống nhòm và một đài phát thanh trên sóng radio.

Các chuyên gia núi lửa huấn luyện thêm cho Sanchez về nghiệp vụ để có thể gửi thông tin cho người dân ngay khi nghe tiếng động ầm ầm, ngửi thấy mùi lưu huỳnh hay dòng dung nham trào lên. Sanchez sau đó cũng giúp các nhà nghiên cứu lắp đặt đồng hồ đo địa chấn và các dụng cụ cần thiết để xác định thời điểm núi lửa hoạt động trở lại.

Ban đầu, do công việc bận rộn, Sanchez phải ở lại hàng tuần trên núi và không trở về nhà. Vợ ông, Lidia nghi ngờ chồng có tình nhân. Do vậy, bà đã gói ghém quần áo và đi lên núi để gặp mặt người phụ nữ bí ẩn của chồng. Nhưng đến nơi, bà chỉ thấy Sanchez sống một mình cô đơn giữa thiên nhiên, ăn bánh mì và uống nước lọc, cả ngày ngồi quan sát núi lửa. "Người đàn bà duy nhất mà anh ấy chờ đợi là quý bà Tungurahua", Lidia cho biết.

Người đàn ông tạo ra chiếc xích đu tử thần/Nơi du khách sẵn sàng đi bộ hai tiếng để ngồi xích đu/Chi

 Video: Nathaniel Chaney.

Let's block ads! (Why?)