Thoạt nhìn, Racetrack Playa chỉ đơn thuần là một vùng đất bùn khô cằn vào mùa hè và băng giá vào mùa đông, nằm ở tây bắc thung lũng Chết (Death Valley), thuộc công viên quốc gia California, Mỹ. Tuy nhiên, nơi này lại nắm giữ một trong những bí mật kỳ lạ nhất hành tinh khi sở hữu những hòn đá ma thuật tự biết dịch chuyển, theo AmusingPlanet.
Những hòn đá di chuyển một cách kỳ lạ trong thung lũng chết. Ảnh: Amusing. |
Do vùng đất không có người sinh sống, khi con người phát hiện ra sự kỳ lạ của những hòn đá biết đi ở khu vực này, chúng đã ở trạng thái rẽ trái, phải, trượt, lướt... một quãng đường dài. Có những hòn đá, theo tính toán, đã di chuyển cách vị trí ban đầu 450m, và mất từ 2 đến 5 năm để đi được quãng đường đó.
Nhiều năm sau đó, các hòn đá ngày càng dịch chuyển xa hơn và nhiều hơn. Mỗi hòn đá đều có lộ trình riêng, có hòn đi thẳng, có hòn lại đi theo hình lượn sóng hay rẽ trái, phải. Có những hòn đá có khối lượng bằng nhau, hình dáng cũng giống nhau nhưng lại di chuyển những quãng đường khác nhau.
Tuy nhiên, điều thú vị là chưa một ai được tận mắt thấy sự di chuyển của những hòn đá này. Không ai biết được tốc độ di chuyển của chúng ra sao.
"Những hòn đá này di chuyển bằng cách nào" luôn là câu hỏi mà rất nhiều người, từ du khách tới các nhà khoa học đã đặt ra. Hơn một thế kỷ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Các nhà khoa học chỉ có thể đặt ra nhiều giả thuyết giải thích cho hiện tượng đá tự đi này. Một trong những giải thích được nhiều người tin nhất là hòn đá di chuyển nhờ lực hấp dẫn.
Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị bác bỏ sau đó khi các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình của khu vực này. Đây là khu vực bằng phẳng, phía nam thấp hơn phía bắc không đáng kể, chỉ vài centimet. Như vậy, theo lý thuyết, các hòn đá sẽ rất khó dịch chuyển. Vậy mà chúng vẫn đi được những quãng đường dài một cách bí ẩn.
Hai nhà khoa học Jim và Richard Norris tại thung lũng Chết. Nguồn: Youtube.
Bên cạnh đó, có giả thuyết cho rằng hòn đá di chuyển là do gió. Gió ở đây rất mạnh và đã đẩy các hòn đá đi. Một số người đã yêu cầu gắn các thiết bị theo dõi vào các tảng đá để ghi lại quá trình dịch chuyển của nó.
Mọi thứ dần trở nên sáng tỏ hơn vào cuối năm 2013. Hai nhà nghiên cứu Jim và Richard Norris đã đến khảo sát khu vực lòng hồ tại thung lũng Chết. Họ đã phát hiện ra rằng sự chuyển động của các tảng đá đòi hỏi sự phối hợp của nhiều điều kiện khác nhau.
Đầu tiên, bề mặt thung lũng phải được phủ một lớp nước có độ sâu vừa đủ để tạo thành băng nổi. Khi nhiệt độ xuống thấp, hồ sẽ đóng một lớp băng mỏng, bên dưới vẫn là nước. Lượng băng sau đó sẽ dày lên để đủ độ cứng và tạo lực đẩy tảng đá. Khi nhiệt độ lên cao, ánh mặt trời sẽ làm băng nứt thành từng mảng. Những tảng băng này sẽ được những cơn gió đẩy trôi đi, đẩy những hòn đá đi theo.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu mới chỉ quan sát được các hiện tượng này ở một vài hòn đá, còn các hòn đá lớn, họ vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra sự dịch chuyển của nó.
Năm 1849, một đoàn người đi đãi vàng do cố tìm một lối đi tắt đã vô tình lọt vào thung lũng này. Họ bị mất phương hướng, trải qua những ngày tháng đói khác, bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và bị côn trùng, rắn, bọ cạp tấn công. Nhiều người đã vùi xác ở nơi khác nghiệt này. Đến tháng 1/1850, một thành viên duy nhất trong đoàn mới thoát được ra. Năm 1941, một đoàn điều tra Mỹ do mất phương hướng cũng lạc vào đây và không ai trở về. Năm 1949, một đoàn thám hiểm khác lại tiến vào thung lũng. Một vài người đã thoát khỏi nơi này, nhưng sau đó cũng chết một cách khó hiểu. Do đó, thung lũng này có tên gọi là thung lũng Chết. Dù điều kiện ở trong lòng thung lũng rất khắc nghiệt, quang cảnh quanh nó lại là một thế đối lập. Phía tây thung lũng là chân của dãy Nevada. Vùng tiếp giáp có nhiều khe núi dọc ngang, những cây cột bằng đá. Dưới ánh nắng mặt trời, cảnh sắc được miêu tả là đẹp rực rỡ. Do đó, nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Năm 1933, Mỹ biến nơi đây thành công viên quốc gia, và lúc nào cũng tấp nập khách đến nghỉ đông. |