Sáng 29/12 tiếp tục Hội nghị trực tuyến Chính phủ tháng 12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, áp lực nợ công đã giảm đi nhiều so với các năm trước cùng với các biện pháp cơ cấu lại nợ.
"Lúc này chúng ta có đủ bản lĩnh, điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao, hiệu quả thấp", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần thận trọng hơn trong đề xuất vay và tăng hiệu quả sử dụng vốn vay nhằm giảm chi phí vay nợ.
Phân tích cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nhờ các biện pháp cơ cấu lại kỳ hạn vay nên kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2017 lên mức 12,75 năm, tăng 4 năm so với bình quân năm 2016. Kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, từ mức 5,98 năm (cuối 2016) lên mức 6,75 năm (2017). Ngoài ra, tỷ trọng vay nợ nước ngoài giảm xuống còn 40% so với mức 61% trước đây, tăng tỷ trọng vay trong nước lên mức 60%.
Lượng nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại giảm 24%, xuống mức 54% vào cuối năm 2017.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, tới nay có thể 'tự tin' công bố dự kiến thu ngân sách Nhà nước 2017 sẽ vượt 5% dự toán thu (số báo cáo Quốc hội là vượt 2,3% dự toán). Số vượt thu chủ yếu đến từ tiền sử dụng đất. Thu từ khu vực FDI, khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng khá nhưng vẫn không đạt do dự toán đưa ra quá cao, lần lượt 23,4% và 23,8%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến thu ngân sách năm 2017 vượt 5% dự toán. Ảnh: Võ Thành. |
Trong đó, thu ngân sách địa phương vượt 12.9% dự toán, khoảng 60.000 tỷ đồng; nhưng cá biệt vẫn có địa phương thu thấp, khó khăn trong cân đối, buộc Bộ Tài chính phả ứng nguồn ngân sách Trung ương để đảm bảo thanh khoản, chi trả tiền lương.
Giải pháp tới đây, theo người đứng đầu ngành tài chính, là tiếp tục rà soát, mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa miễn, giảm thuế; tăng cường quản lý chống thất thu ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan; tăng cường quản lý kinh doanh qua mạng và chuyển kinh doanh phi chính thức vào diện đối tượng quản lý.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, khởi nguồn của cơ cấu lại ngân sách Nhà nước chính từ các bộ, ngành, địa phương gắn với cơ cấu lại chi đầu tư, thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, nên “mong ủng hộ, vào cuộc thực sự của các bộ, ngành địa phương”.
Liên quan tới cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông Dũng thừa nhận, triển khai còn chậm. Một trong số nguyên nhân là đối tượng doanh nghiệp thoái vốn quy mô lớn nên cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ. Trong số này cũng có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chưa giải quyết dứt điểm về tài chính nên khó cơ cấu lại.
Đến 20/12, 43 doanh nghiệp được phê duyệt với giá trị thực tế hơn 212.900 tỷ đồng; số tiền thu về sau thoái vốn 292.000 tỷ trong 5 lĩnh vực nhạy cảm và 2.900 tỷ đồng lĩnh vực khác.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.903 tỷ và thu về 21.639 tỷ đồng. Riêng việc thoái 53,59% vốn điều lệ Nhà nước tại Sabeco đã thu về cho ngân sách gần 110.000 tỷ đồng.
Năm 2018, Bộ trưởng Tài chính cho biết, kế hoạch dự toán thu ngân sách tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2017 cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cộg với lạm phát. Thu ngân sách phấn đấu vượt 3% dự toán, bội chi không quá 3,7% GDP.
Trong điều kiện giảm thuế nhập khẩu, sản lượng khai thác dầu thô, để đảm bảo chi trả nợ, tăng tỷ trọng cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Dũng lưu ý, dự toán chi thường xuyên phải bố trí chi chặt chẽ; phát hiện và ngăn chặn hành vi trốn lậu thuế, chuyển giá; cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước...
Nguyễn Hoài