Nguy cơ giá điện tăng khi dừng thị trường phát điện cạnh tranh

Tại quyết định vừa được ban hành cuối tháng 9, Bộ Công Thương cho biết tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/10 đến khi có quyết định khôi phục lại thị trường này.

Lý do tạm dừng thị trường này sau gần 5 năm hoạt động nhằm phục vụ huy động tối đa các nhà máy nhiệt khí trong các tháng cuối năm 2017. Sau khi tạm dừng, việc vận hành hệ thống điện và thanh toán cho các nhà máy điện khác sẽ được thực hiện theo quy định Thông tư 30/2014 về thí điểm thị trường này. 

Nếu dừng, tổng sản lượng điện mua của toàn thị trường tăng không đáng kể dù tăng mua của các nhà máy điện khí, theo Bộ Công Thương. Cơ quan này cho rằng, hiện phần lớn sản lượng điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua chủ yếu thông qua các hợp đồng giữa tập đoàn này và các nhà máy điện (hợp đồng PPA) và khoảng 10-20% được mua theo hình thức chào giá trên thị trường điện cạnh tranh (CGM).

Tính toán của Bộ này cho thấy, trường hợp huy động tối đa các nhà máy điện khí trong 3 tháng còn lại của năm 201,7 tổng sản lượng các nhà máy điện khí tăng thêm 189 triệu kWh, chiếm khoảng 0,094% so với tổng nhu cầu phụ tải điện cả nước. Vì thế việc khai thác thêm các nhà máy điện khí ảnh hưởng rất nhỏ đến chi phí phát điện chung của toàn bộ hệ thống.

Tuy vậy, một chuyên gia ngành điện lại cho rằng, bỏ thị trường phát điện cạnh tranh để "giải cứu" các nhà máy điện khí chắc chắn sẽ tác động nhất định đến giá điện mua vào của EVN. Do mặt bằng giá khí cao hơn giá bán của nhà máy nhiệt, thuỷ điện, áp lực lên giá bán lẻ khi đó khó tránh khỏi.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nhận xét, việc tạm dừng vận hành thị trường phát điện để các nhà máy khí tham gia với mức giá cao là thể hiện cho một thị trường chưa có cạnh tranh thực sự.

Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động cách đây 5 năm theo quyết định của Thủ tướng. Theo quy định, nguồn điện được huy động trên nguyên tắc các nhà máy phát điện sẽ chào giá và được huy động theo giá chào, giá thấp sẽ được ưu tiên huy động nhiều. Năm 2016, trong tổng sản lượng của hệ thống điện lên đến 183,28 tỷ kWh, lượng điện khí chiếm 25,7%.

Quyết định được cho là khá bất ngờ của Bộ Công Thương được đưa ra sau 5 năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh. Ở thời điểm mới đưa vào vận hành, dư luận từng kỳ vọng sau phát điện, thị trường bán buôn cạnh tranh và từ năm 2012 bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được hình thành. Khi đó người tiêu dùng sẽ được lựa chọn nhà cung cấp điện bán lẻ giá điện, buộc các nhà cung cấp điện phải cạnh tranh với nhau bằng giá, chất lượng dịch vụ.

nguy-co-doi-gia-dien-khi-dung-thi-truong-phat-dien-canh-tranh

Bộ Công Thương quyết định dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/10.

"Việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh trong các tháng cuối năm 2017 chỉ là giải pháp tạm thời do các các nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình vận hành", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) giải thích.

Cụ thể về phía cầu, 8 tháng đầu năm 2017 phụ tải điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch được lập đầu năm đến 3%, chủ yếu do thời tiết diễn biến bất thường và mức tăng trưởng điện sinh hoạt miền Nam thấp (khoảng 3%) so với thời điểm cùng kỳ.

Trong khi đó nguồn cung điện lại dồi dào khi nhà máy thủy điện đều đã được huy động tối đa (do lưu lượng nước về hồ đểu khá cao, thậm chí nhiều hồ phải thực hiện xả nước để đảm bảo an toàn đập). Ba tháng qua có hơn 180 nhà máy thuỷ điện đã phải xả nước do lưu lượng nước về hồ quá lớn nhằm đảm bảo an toàn công trình đập. Thực tế, đã xảy ra trường hợp một vài nhà máy điện đã phải xả nước không qua phát điện do chào giá cao, trong khi lưu lượng nước về trong ngày tăng đột biến.

"Bối cảnh cung cầu nêu trên, kết hợp với việc phải khai thác thêm các nguồn điện chạy khí nhằm khai thác hết sản lượng khí bao tiêu và hạn chế quá tải trên đường dây 500kV, Bộ Công Thương đã quyết định tạm dừng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh", ông Tuấn lý giải.

Thời điểm vận hành trở lại thị trường này, theo đại diện Bộ Công Thương, phải chờ sau khi khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến dừng thị trường. Trong thời gian đó, vẫn ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện đang xả nước hoặc có nguy cơ xả nước.

Tháng 7/2012 thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu được thí điểm thực hiện. 76 nhà máy tham gia thị tường với tổng công suất 20.728 MW, đạt tỷ lệ 49% toàn hệ thống. Số lượng các nhà máy tham gia giao dịch đã tăng 2,45 lần so với khi mới vận hành.

Theo quy định, tại thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy phát điện sẽ chào giá và được huy động theo giá chào, giá thấp sẽ được ưu tiên huy động nhiều.

Trong một báo cáo hồi tháng 7/2017, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực sau 5 năm triển khai, Bộ Công Thương cũng nêu hạn chế của thị trường này như hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống SCADA/EMS vẫn còn những tồn tại nhất định, ảnh hưởng đến công tác dự báo, lập kế hoạch, điều độ, giám sát thị trường điện.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)