Phi công hé lộ 5 điều ít người biết về nghề 'đi mây về gió'

Patrick Smith là phi công dày dặn kinh nghiệm lái chuyến bay đường dài của một hãng hàng không lớn. Anh học bài đầu tiên về lái máy bay khi mới 14 tuổi, lúc ấy anh còn chưa biết đi ôtô. Anh về đầu quân cho một hãng bay thương mại vào năm 1990. Dưới đây là chia sẻ của Smith về những điều nhiều người thắc mắc về nghề "đi mây về gió" của mình.

Làm phi công có chán không?

"Bất cứ ngành nghề nào cũng có lúc khiến chúng ta nản lòng một chút, 'chán' không phải từ chính xác ở đây. Thi thoảng tôi có chán khi bay qua đại dương trong đêm mà tất cả đều trơn tru không? Chắc chắn có, nhưng tôi đố bạn tìm được vị bác sĩ nào thừa nhận họ cảm thấy chán khi đang phẫu thuật não cho bệnh nhân", Smith trải lòng.

Vào những lúc thấy trống trải, anh thường hồi tưởng lại ngày mình còn là một đứa trẻ hay đọc bảng báo lịch bay và tưởng tượng có ngày trở thành phi công, cho tới anh của hiện tại - một phi công chuyên nghiệp.

Công việc thực sự của phi công trong buồng lái. Video: News.

Phi công chọn ngồi ghế nào khi không phải lái?

Smith cho biết, những người có niềm đam mê bất tận với bầu trời luôn chọn ghế cạnh cửa sổ, vì họ muốn được nhắc nhở liên tục rằng mình đang ở trên một cỗ máy khổng lồ giữa trời.

Qua nhiều năm, chàng phi công này có cơ hội nhìn thấy nhiều điều tuyệt diệu từ trên cao, như sa mạc Sahara, những tảng băng trôi khổng lồ của vùng biển bắc Atlantic, kim tự tháp, các dải cực quang huyền ảo...

Tuy nhiên, Smith cũng bày tỏ lo ngại về môi trường khi anh phải chứng kiến những biến đổi diễn ra từng ngày như những khu rừng mưa nhiệt đới dần thu hẹp diện tích, nạn cháy rừng, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn...

"Khi nhìn xuống hành tinh này, tôi nhận ra Trái Đất nhỏ bé đến thế nào, phần lớn là theo cách đáng sợ rằng những gì đang diễn ra quả là báo động. Con người đang gây ra rất nhiều tổn hại cho môi trường trên thế giới - những điều có thể nhìn thấy rõ từ trên cao", anh chia sẻ.

 Khung cảnh nhìn từ buồng lái của phi công. Video: Mr Good Views.

Phi công là những hành khách dễ tính?

Nhiều người thắc mắc phi công có thấy bồn chồn khi phải ngồi ghế hành khách hay không, Smith chỉ bật cười và nói: "Khi không phải lái máy bay, chúng tôi cũng giống như những hành khách bình thường thôi. Những thứ khiến tôi khó chịu vế chuyến bay cũng là thứ khiến một hành khách bình thường phải nhíu mày".

Máy bay có thể tự lái phải không? 

Một trong những điều khiến Smith cảm thấy bị động chạm nhất là lúc ai đó khẳng định chắc nịch rằng khi chuyển sang chế độ tự động, máy bay sẽ tự lái như một chiếc xe tự hành khổng lồ của Google trên trời. 

phi-cong-he-lo-5-dieu-it-nguoi-biet-ve-nghe-di-may-ve-gio

Phi công phải điều khiển nhiều thiết bị từ trong buồng lái. Ảnh: istock.

Nhưng Smith sẽ giận tím mặt nếu ai đó nói rằng máy bay không chỉ tự bay mà còn có thể tự hạ cánh. Anh kịch liệt phản đối niềm tin này, nhấn mạnh rằng gần như phi công phải điều khiển bằng tay hoàn toàn khi hạ cánh.

"Không bao giờ có chuyện máy bay tự hạ cánh. Hệ thống tự động được sinh ra để phi công không cần giữ khư khư cần lái suốt chuyến bay, nhưng máy móc chỉ biết làm theo những gì phi công ra lệnh, chứ không thể tự xử lý thông tin", Smith chia sẻ.

Nhiễu động có nguy hiểm không?

"Khi mới viết sách và nhận câu hỏi từ độc giả, thực sự tôi đã đếm số người bày tỏ nỗi lo lắng về nhiễu động không khí. Từ góc nhìn của người trong nghề, chúng tôi coi đó là hiện tượng bình thường", Smith nói.

 Hành khách la hét khi máy bay vào vùng nhiễu động trên chuyến bay của Etihad Airways từ Abu Dhabi tới Jakarta vào tháng 5/2016. Video: Dewi Rachmayani.

Smith không phủ nhận những trường hợp hành khách bị thương nặng khi máy bay đi qua vùng nhiễu động, tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra với những người không cài dây an toàn.

"Rõ ràng khí hậu đang biến đổi khi ngày càng có nhiều vùng nhiễu động mạnh bất thường. Nếu thời tiết diễn biến xấu, nhiều yếu tố sẽ khiến các luồng không khí mất ổn định", anh nhận định.

Theo Smarter Travel

Let's block ads! (Why?)