Báo cáo tình hình vĩ mô của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, huy động vốn 8 tháng đầu năm toàn hệ thống tín dụng tăng 9,1% so với đầu năm, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 8,7%, giấy tờ có giá là 18,6%. Góp phần vào cơ cấu tín dụng tiền gửi tăng phải kể tới hơn 160.000 tỷ đồng (xấp xỉ 7 tỷ USD) mà Kho bạc Nhà nước đang gửi tại ngân hàng, con số này tăng 68% so với đầu năm.
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2017, ở mức 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Nhờ nguồn tiền này mà thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chậm.
Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm, đạt 160.000 tỷ đồng. |
Cũng theo báo cáo này, đến hết tháng 8 tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,5% so với cuối năm 2016, tập trung chủ yếu vào tín dụng ngắn hạn (chiếm 45,9%). Tiền đồng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 91% tổng tín dụng, tăng 11% so với cuối năm ngoái; ngoại tệ chiếm 8,5%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có xu hướng tăng, mức 11,5%, cao hơn cùng kỳ - 1,7%.
Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề và lĩnh vực hầu như không thay đổi so với cuối năm ngoái. Tốc độ cho vay nhanh hơn so với huy động.
Số liệu từ cơ quan giám sát quốc gia cũng cho thấy, thanh khoản hiện tại của hệ thống ngân hàng khá dồi dào với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7, mức 0,2-0,3%. Cùng với đó, trên thị trường mở (OMO) trong 22 ngày đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 4.494 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, tổng lượng hút ròng của cơ quan quản lý gần 32.700 tỷ đồng.
Anh Minh