Ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng liên quan hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sinh năm 1959 tại Trà Vinh, dù không được học hành nhiều, nhưng ông Trầm Bê đã tạo dựng nhiều dấu ấn trên thương trường. Sự nghiệp ngân hàng chính thức bắt đầu khi ông quyết định tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004.
Sau khi hoạt động của ngân hàng đi vào ổn định, Ngân hàng Phương Nam cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều (sở hữu 11% cổ phần NJC) lên giữ chức Phó giám đốc. Đến năm 2011, con trai út 24 tuổi Trầm Khải Hòa tiếp tục nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này.
Để đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường tài chính, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank. Theo đó, tháng 5/2012, ông và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Sau đó, ông Trầm Bê làm Phó chủ tịch Sacombank.
Báo cáo quản trị năm 2015 cho biết, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 9,49% vốn tại ngân hàng. Trong đó, riêng ông nắm giữ hơn 27,7 triệu cổ phiếu STB, tương đương 1,46% vốn điều lệ. Hai con trai là Trầm Trọng Ngân nắm giữ 4,73% vốn và Trầm Khải Hòa - nguyên thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng sở hữu 1,76% vốn Sacombank. Con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 1,43% vốn và chồng là ông Lê Trọng Trí - nguyên Phó tổng giám đốc Sacombank nắm giữ 0,11% vốn ngân hàng.
Ông Trầm Bê đi thu phiếu biểu quyết của cổ đông tại Đại hội cổ đông Sacombank tháng 7/2015, bàn về sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.. Ảnh: Lệ Chi. |
Tỷ lệ sở hữu của các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê tăng lên nhờ Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ ngày 1/10/2015. Tỷ lệ hoán đổi của thương vụ sáp nhập là một cổ phần của Southern Bank đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank.
Tuy nhiên, tháng 11/2015, ông Trầm Bê đã thôi giữ chức Phó chủ tịch thường trực theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó vài hôm, ông cũng đã tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định, điều lệ của hai ngân hàng đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu.
Đến ngày 24/2/2017, ban lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho biết đã chính thức chấp thuận và báo cáo Ngân hàng Nhà nước quyết định xin từ nhiệm Thành viên hội đồng quản trị của cha con ông Trầm Bê - Trầm Khải Hòa.
Dứt duyên với ngành tài chính - ngân hàng, tuy nhiên gia đình ông Trầm Bê vẫn còn những khoản đầu tư giá trị tại những lĩnh vực khác. Thực ra, trước khi dấn thân vào ngân hàng, ông Bê đã bắt đầu sự nghiệp của mình với cương vị là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991- 1994) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty này (1995-2001).
Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông đã nhảy vào thị trường bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). Vào thời kỳ này, việc đầu tư bất động sản khá dễ dàng, quỹ đất còn nhiều cộng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang ở mức cao. Nhờ đó, BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra. Tuy nhiên sau 17 năm gắn bó, ông Trầm Bê đã rời khỏi vị trí vào tháng 8/2016.
Sau khi đầu tư vào BCCI, vị đại gia gốc Trà Vinh lại nhắm tới việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An tại TP HCM. Bởi lẽ, việc xây dựng bệnh viện lúc này sẽ nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước và đặc biệt là thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Ra đời vào năm 2001 trong chủ trương xã hội hóa y tế, Triều An là bệnh viện tư nhân đa khoa chuyên sâu đầu tiên và cũng là lớn nhất Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, đơn vị này hiện đang có vốn điều lệ 590 tỷ đồng và 9 cổ đông sáng lập đang sở hữu trên 83% vốn điều lệ. Trong đó, ông Trầm Bê sở hữu 9 triệu cổ phiếu của Bệnh viện Triều An, tương đương 15,25% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ 3 trong danh sách cổ đông sáng lập còn sở hữu cổ phần.
Tại một kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank, khi cổ đông chất vấn đến năng lực điều hành của ông liên quan bệnh viện Triều An bị thua lỗ thì làm sao điều hành ngân hàng, ông Bê đã không giấu được xúc động và cho biết, gia đình ông trước đây rất nghèo và ông không có điều kiện học hành, lại chứng kiến người mẹ qua đời trong bệnh tật vì chẳng có tiền chữa bệnh. Từ đó, ông đã quyết tâm sẽ làm ra nhiều tiền và xây bệnh viện để có thể phần nào đó hỗ trợ cho một số người nghèo không có tiền chữa bệnh. "Và bệnh viện Triều An bên cạnh yếu tố đầu tư thì nó còn là tâm huyết cả đời của tôi", ông nói.
Hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Triều An duy trì khá ổn định trong thời gian gần đây với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trong khoảng gần 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm. Phần lớn lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đều được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông.
Ngoài những khoản đầu tư nói trên, ông Trầm Bê cũng từng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trước khi "toàn tâm, toàn ý" cho tài chính ngân hàng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp ông để lại nhiều dấu ấn với Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (2002 - 2004).
Động thái bắt giữ ông Trầm Bê được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.
Theo điều tra ban đầu, ông Trầm Bê cùng hàng loạt cán bộ của Sacombank đã cố tình lách quy định, giúp ông Danh vay tiền của nhà băng.
Cụ thể, tháng 4/2013, để có tiền trả các khoản vay trước đó tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Danh cùng dàn lãnh đạo cấp dưới đến gặp ông Trầm Bê đề nghị vay 1.800 tỷ đồng. Biết ông Danh không thể trực tiếp vay tiền của VNCB, ông Bê đồng ý cho vay với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank và giao cho cấp dưới triển khai.
Ông Danh sau đó phân công Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (34 tuổi, TV HĐQT) chuẩn bị tiền đảm bảo và làm 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty (do ông Danh thành lập) để vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản. Giám đốc các công ty này hầu hết là nhân viên bảo vệ, tài xế… của Tập đoàn Thiên Thanh được thuê đứng tên.
Cơ quan điều tra xác định, trong phi vụ này ông Trầm Bê có chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau" nên chỉ trong một ngày giám đốc các chi nhánh của Sacombank đã chuyển tổng cộng 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty của ông Danh.
Số tiền này ông Danh trả nợ cho BIDV 1.700 tỷ đồng - khoản vay để chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng.
Bị cáo buộc cùng hành vi, nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank - ông Phan Huy Khang - cũng bị bắt giam 4 tháng.
Lệ Chi