Gỗ Trường Thành chưa thoát cảnh bấp bênh

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã CK: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính trong nửa đầu năm 2017. Như những dự báo được ban lãnh đạo mới của công ty đưa ra tại phiên họp thường niên vào giữa năm, Gỗ Trường Thành đã báo lãi trong quý II và đưa con số lợi nhuận dành cho cổ đông trong nửa đầu năm thành số dương. Tuy vậy, những vấn đề góp phần tạo nên một Gỗ Trường Thành sa sút ở thời điểm hiện tại vẫn còn hiện hữu.

go-truong-thanh-chua-thoat-canh-bap-benh

Dù báo lãi trong quý II song các yếu tố tài chính không bền vững vẫn xuất hiện trên báo cáo tài chính của Gỗ Trường Thành.

Theo báo cáo tài chính, Gỗ Trường Thành ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông hơn 22 tỷ đồng trong quý II/2017 - quý đầu tiên báo lãi kể từ đầu năm 2016. Khoản mục này trong nửa đầu năm nhờ vậy cũng chuyển từ lỗ sang lãi và đạt gần 8 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, kết quả này có được không hẳn nhờ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác. Trong quý II, Gỗ Trường Thành ghi nhận gần 74 tỷ đồng tại khoản mục này. Theo phần thuyết minh báo cáo tài chính, công ty đã ghi nhận hơn 88 tỷ đồng thu nhập khác do được miễn lãi vay, khoản mục này không xuất hiện trong báo cáo tài chính cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu của Gỗ Trường thành trong nửa đầu năm chỉ đạt 513 tỷ đồng, giảm 42% so với 6 tháng đầu năm 2016 và chỉ tương đương 40% kế hoạch đã đề ra tại phiên họp thường niên.

Do không còn trích lập hao hụt, thất thoát hàng tồn kho như cùng kỳ nên lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 103 tỷ. Dù vậy, còn số này vẫn không đủ để bù đắp chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ (gần 120 tỷ đồng), chưa tính tới chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tại phiên họp thường niên giữa năm 2017, ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành đã chia sẻ, "muốn đưa công ty trở lại vị thế như xưa, một trong những việc cần làm đầu tiên chính là khiến TTF trở nên 'sạch' hơn, ở đây là sạch nợ và hàng tồn kho gỗ lâu năm". 

Từng là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực khai thác và sản xuất các sản phẩm về gỗ, Gỗ Trường Thành đã gây ra cú sốc trên thị trường vào năm ngoái với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Căn nguyên chính từ việc không kiểm soát được lượng hàng tồn kho lớn và cơ cấu tài chính mất cân đối khi nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Dù vậy, những yếu tố đã đẩy Gỗ Trường Thành đến "bờ vực" vẫn chưa được giải quyết triệt để, ít nhất là tính tới thời điểm cuối quý II. 

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành đạt gần 3.700 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt khi hàng tồn kho và các khoản phải thu vẫn chiếm gần 75%. Giá trị khoản mục hàng tồn kho đến cuối quý II vẫn còn 1.764 tỷ đồng .

Về cơ cấu tài chính, điểm sáng với công ty trong nửa đầu năm là việc cơ cấu kỳ hạn nợ. Hơn 1.600 tỷ nợ ngắn hạn đã được chuyển sang nợ dài hạn, ngoài ra Gỗ Trường Thành cũng đã trả hơn 260 tỷ đồng cho Vingroup - đối tác đã cho công ty vay 335 tỷ trong năm 2016. Tuy nhiên, việc cơ cấu kỳ hạn chỉ phần nào giảm áp lực thanh khoản trong ngắn hạn, trong khi gánh nặng chi phí lãi vay sẽ kéo dài hơn.

Bằng chứng là chi phí lãi vay trong nửa đầu năm ghi nhận gần 120 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ và cao hơn lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần ghi âm 76,8 tỷ.

Trong khi đó, chất lượng doanh thu của công ty lại bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững. Cùng với doanh thu 513 tỷ được Gỗ Trường Thành ghi nhận trong nửa đầu năm, thì khoản mục phải thu ngắn hạn cũng tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng phát sinh trong quý II hơn 220 tỷ, nâng giá trị trong nửa đầu năm lên 350 tỷ đồng.

Theo chuẩn mực kế toán, khoản mục này sẽ ghi nhận khi phản ánh doanh thu theo ước tính thực hiện hợp đồng xây dựng dựa theo phần công việc đã hoàn thành. Theo một số chuyên gia, yếu tố "ước tính" có thể mang nghĩa không bền vững và được doanh nghiệp sử dụng để ghi nhận trước doanh thu.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)