Vì sao Lộc Trời khó tách khỏi mảng thuốc thực vật?

Ngay trong phiên thứ hai cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời hiện diện trên thị trường UPCoM, quỹ Vietnam Azalea do Mekong Capital quản lý đã hoàn tất việc thoái hơn 3 triệu đơn vị, thu về khoảng 9 triệu USD. Ngoài ra, quỹ này cũng cho biết đã ký thỏa thuận bán số cổ phần còn lại tại Lộc Trời trước thời điểm cuối tháng 9/2017.

Mức định giá của quỹ đầu tư này khi thoái vốn là 68.000 đồng mỗi cổ phiếu. Hay nói cách khác, Vietnam Azalea kỳ vọng LTG sẽ không vượt quá mức tăng 23% so với giá chào sàn 55.000 đồng.

Trước Vietnam Azalea, năm 2014 VinaCapital - một cổ đông gắn bó khá lâu với Lộc Trời cũng đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu tại doanh nghiệp này cho một quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng Standard Chartered.

Việc thoái vốn của cả hai quỹ đầu tư này, ít nhiều đều có liên quan đến kỳ vọng từ việc thay đổi đường lối hoạt động với ban lãnh đạo Lộc Trời, khi công ty quyết định tham gia phát triển chuỗi lúa gạo theo ngành dọc. Phân khúc hoạt động theo đánh giá của các quỹ đầu tư có biên lợi nhuận thấp hơn nông dược và chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường.

loc-troi-phu-thuoc-mang-kinh-doanh-thuoc-thuc-vat

Sản phẩm gạo đóng góp 28% doanh thu nhưng chỉ chiếm 5% trong cơ cấu lợi nhuận gộp của Lộc Trời

Tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang với vốn đầu tư ban đầu 750 triệu đồng, Lộc Trời từng được biết đến là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu trong nhóm ngành nông nghiệp. 

Mảng kinh doanh chính của tập đoàn là thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng, có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong năm 2016. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, Lộc Trời hiện nắm giữ 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật nội địa và kế hoạch tăng lên 30% trong vòng 5 năm tới.

Dù vậy, từ năm 2010 bên cạnh lĩnh vực hoạt động cốt lõi, Lộc Trời bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo theo mô hình liên kết dọc, từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, tiêu thụ.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm 2014, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn đã chia sẻ về sứ mệnh mới của Lộc Trời, từ doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, được xác định lại là phục vụ nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán thời điểm đó, trong bối cảnh ngành thuốc bảo vệ thực vật và giống dần bão hòa, tốc độ tăng trưởng không còn duy trì được như trước đây, đầu tư sang mảng lương thực là bước đi tất yếu để tiếp tục phát triển. Lập luận được đưa ra là khi công ty nắm trong tay chuỗi giá trị lúa gạo theo chiều dọc, tăng trưởng sản lượng gạo sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng giống và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo nên một chuỗi giá trị vững chắc và ổn định.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này lại là câu chuyện không đơn giản. Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, mảng kinh doanh gạo đã trở thành bộ phận đứng thứ 2 về doanh thu chỉ sau thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp từ hoạt động này lại thấp đáng kể so với những lĩnh vực còn lại. Nếu chỉ tính riêng lợi nhuận theo từng lĩnh vực, lương thực (chủ yếu là gạo) vẫn chưa thể đạt đến điểm hòa vốn sau 5 năm thực hiện.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong thời gian đầu, do phát triển ồ ạt vùng nguyên liệu, kiểm soát chặt chẽ và cứng nhắc theo tiêu chuẩn chất lượng cao cộng với bao tiêu sản phẩm từ nông dân, mảng kinh doanh gạo của Lộc Trời gặp nhiều khó khăn. Biên lợi nhuận thấp, chiếm dụng nhiều vốn lưu động và chịu lỗ trong nhiều năm liên tiếp.

"Định hướng sản xuất gạo chất lượng cao của Lộc Trời vốn là hướng đi tất yếu trong dài hạn của ngành lương thực nói chung, tuy nhiên trong ngắn hạn, công ty là một thành phần rất nhỏ để có thể một mình thay đổi cục diện ngành", báo cáo của BVSC nhận định.

Kể từ năm 2015-2016, Lộc Trời bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động của mảng gạo. Công ty cũng chọn hướng đi an toàn hơn là chấm dứt bao tiêu và thu hẹp vùng nguyên liệu từ 90.000 ha còn 36.000 ha trong năm 2017. Thay vào đó, Lộc Trời cho nông dân gửi hàng tại các kho của mình và khi có hợp đồng, công ty sẽ là bên có lợi thế sớm nhất trong việc thu mua do gạo đã có sẵn. 

Dù vậy, kết quả kinh doanh của lĩnh vực này vẫn chưa có nhiều cải thiện. Năm 2016, thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 61% về tổng doanh thu và đóng góp 85% về lợi nhuận gộp. Trong khi ngành lương thực (chủ yếu là gạo) đóng góp 28% doanh thu nhưng chỉ 5% về lợi nhuận gộp. 

Trong nửa đầu năm 2017, mảng lương thực ghi nhận hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp chỉ khoảng 2%. Trong khi cùng kỳ năm trước tỷ lệ này đạt khoảng 7%.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)