Những quy tắc khó chịu nhất chốn công sở

1. Yêu cầu vô lý về thời gian làm việc

Nhân viên nên được trả lương theo hiệu suất công việc, thay vì lượng thời gian họ ngồi ở công ty. Khi bạn phạt nhân viên vì đi làm trễ 5 phút, mặc dù họ luôn về muộn và làm thêm vào cuối tuần, bạn sẽ khiến họ hiểu rằng nỗ lực của mình không được công nhận. Tệ hơn là nếu công ty yêu cầu nhân viên phải có giấy chứng nhận đi viện hoặc người thân mất thì mới được nghỉ làm, họ chắc chắn sẽ không còn muốn cống hiến nữa.

2. Giới hạn sử dụng Internet

nhung-quy-tac-kho-chiu-nhat-chon-cong-so

Những quy tắc hà khắc chốn công sở có thể ảnh hưởng đến thành tích của nhân viên. Ảnh: Suits

Việc công ty chặn hệ thống mạng khỏi các trang web độc hại là hoàn toàn hợp lý. Điều đáng nói là một số công ty giới hạn việc truy cập Internet một cách quá khắt khe và không cần thiết, khiến nhân viên không thể giải trí trong giờ nghỉ và thậm chí là khó khăn trong việc nghiên cứu thông tin trên mạng để phục vụ cho công việc.

3. Cấm điện thoại di động

Quy định được đặt ra để đối phó với những nhân viên kém ý thức, thường xuyên sử dụng điện thoại để nhắn tin vô bổ. Thế nhưng nó cũng sẽ gây khó khăn cho những nhân viên khác nếu họ cần kiểm tra điện thoại vì những lý do cấp bách và chính đáng.

4. Chính sách email hà khắc

Một vài công ty có yêu cầu nhân viên phải đăng ký trước nội dung, rồi phải được hệ thống chấp thuận thì mới gửi được email ra ngoài. Nếu từ đầu bạn không tin tưởng nhân viên của mình sẽ sử dụng email một cách hợp lý, bạn còn thuê họ làm gì? Tất nhiên, chính sách này là để dành cho những kẻ không trung thực, nhưng nó cũng sẽ làm ảnh hưởng tới những người khác. Bên cạnh đó, những đối tượng hay gian lận sẽ luôn tìm được cách lách luật.

5. Không cho nhân viên thể hiện phong cách riêng

Rất nhiều công ty kiểm soát luôn cả việc nhân viên bài trí bàn làm việc của mình thế nào, chẳng hạn như hạn chế số lượng ảnh được đặt trên bàn. Tương tự, họ yêu cầu nhân viên luôn phải ăn mặc thật chuyên nghiệp kể cả trong những trường hợp không cần thiết. Trên thực tế, khi có ai ăn mặc quá phản cảm, quản lý chỉ cần nhắc nhở riêng người đó. Nếu không, sẽ chẳng ai muốn làm việc cho bạn khi mà họ thậm chí còn chẳng có quyền thể hiện cá tính bản thân.

Hà Tường (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)