Thứ sáu, 2/12/2016 | 10:07 GMT+7
Một bộ trang phục cho thanh đồng có giá từ một đến 5 triệu đồng. Thông thường họ đặt ít nhất 5 loại trang phục hầu đồng.
Hầu bóng hay hầu đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tam phủ, Tứ Phủ vào thân xác các ông đồng, bà đồng, là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu.
Mỗi giá đồng đều có trang phục riêng để biết đó là giá đồng nào. Như Mẫu Địa Phủ mặc áo vàng cai quản miền đất, Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh cai quản miền núi rừng, Mẫu Thoải mặc áo trắng cai quản các miền sông nước.
Trang phục đẹp tạo hưng phấn, thăng hoa cho thanh đồng cũng như người tham dự buổi lễ. Người ta gọi trang phục trong hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là các y phục của chư thánh giá ngự. Tuy nhiên kiểu dáng, màu sắc trang phục có những quy định chung nhưng không mang tính bắt buộc, mỗi nơi lại có những phiên bản khác nhau theo vùng miền.
Nghề may và thêu trang phục cho việc hầu bóng, hầu đồng đã phát triển trong những năm gần đây. Ở Hà Nội có thể tìm mua ở phố Hàng Quạt. Xa hơn có thể tìm mua hoặc đặt may ở chợ Vồi, Thường Tín.
Ngoài ra còn có cả một làng chuyên sản xuất trang phục cho việc hầu đồng với số lượng lớn là làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến (Thường Tín, Hà Nội).
Trang phục hầu bóng cũng chia làm hai loại chính: hàng tinh và hàng chợ. Chất lượng của khăn chầu áo ngự nằm ở chất liệu vải và họa tiết thêu trên trang phục.
Nếu là trang phục hàng chợ thì chất liệu may bằng lụa pha tỷ lệ sợi nilon cao, các họa tiết được thêu bằng máy.
Ngược lại trang phục cao cấp được may bằng lụa 100 % hoặc tỷ lệ sợi nilon chỉ chiếm 10-20%, hoặc được sử dụng gấm cao cấp. Đặc biệt họa tiết trên áo được thêu thủ công bởi những bí quyết lâu đời của làng. Có những họa tiết phải thêu 3 tháng mới xong.
Giá trung bình một bộ trang phục hàng chợ khoảng một triệu đồng, còn hàng tinh khoảng 5 triệu đồng. Theo người làng Đông Cứu, có hơn 50 loại trang phục hầu bóng. Tuy vậy ít ai mua hết đủ 50 loại (quả, cách gọi khác ở làng). Thông thường các thanh đồng đặt mua 24 "quả" là nhiều, còn ít nhất là 5 "quả".
Những năm qua tín ngưỡng Tứ phủ được quan tâm khôi phục chính là điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Sản phẩm của làng hiện được bán khắp cả nước. Dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở đây.
Ngày 1/12 , di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.