Hoa Sen - Cà Ná được đưa vào quy hoạch dự án thép

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó có dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo dự thảo này, công trình nằm trong danh mục các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2035 và chia thành 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chưa xác định thời điểm đầu tư, song giai đoạn 5 sẽ kết thúc vào năm 2031 với công suất thiết 3,5 triệu tấn gang, sắt xốp và 3,5 triệu tấn phôi vuông một năm.

hoa-sen-ca-na-duoc-dua-vao-quy-hoach-du-an-thep

Mô phỏng dự án Thép Cà Ná (Ninh Thuận).

Cũng theo dự thảo quyết định quy hoạch ngành, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Cơ quan này cũng ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất khép kín, với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp.

Theo rà soát của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, bản quy hoạch này đặt mục tiêu năm 2020 trong nước sản xuất 8 triệu tấn, năm 2025 đạt 15 triệu tấn và năm 2035 đạt 35 triệu tấn gang và sắt xốp. Riêng sản xuất phôi thép trong 5 năm tới đạt 18 triệu tấn; cán mốc 27 triệu sau 10 năm và 52 triệu tấn trong 20 năm nữa.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai. Sau sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án.

Trước những nghi ngại này, hồi giữa tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Bộ Công Thương được giao cùng các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và môi trường..., lấy ý kiến các nhà khoa học về dự án. Sau khi xem xét cụ thể báo cáo, Thủ tướng sẽ có quyết định chính thức về việc triển khai.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 15/11 liên quan tới dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường". Lãnh đạo Bộ Công Thương đồng thời cũng nhấn mạnh "không có chuyện lợi ích nhóm" trong dự án này.

"Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây khi chúng ta đang hướng tới một cách hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia?", Bộ trưởng Tuấn Anh dứt khoát.

Trả lời VnExpress trước đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Trương Thanh Hoài cho biết, thực tế dự án thép Hoa Sen Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm. Nghĩa là trước đây, dự án này đã có trong quy hoạch của ngành thép. Năm 2008, doanh nghiệp đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó không thể triển khai do Vinashin đổ vỡ, đối tác Lion cũng gặp khó khăn về tài chính… Vì thế, Bộ Công Thương khi đó quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch.

"Tuy nhiên, trong quá trình rà soát tình hình thực hiện quy hoạch từ cuối năm 2014 đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu những địa điểm khả thi có thể đặt được nhà máy thép, trong đó đã tính tới việc đưa trở lại dự án thép ở Cà Ná", ông Hoài nói. Vị này cũng khẳng định, để dự án triển khai, xây dựng thì còn phải trải qua rất nhiều bước.

Let's block ads! (Why?)