Quốc hội thảo luận về ngân sách chiều 1/11. Ảnh: Giang Huy |
Vào đầu phiên làm việc, Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu vấn đề, với tinh thần chia sẻ cùng cả nước, thành phố đồng ý giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại, nhưng không nên điều tiết đột ngột từ 23% xuống 18% (giai đoạn 2017 – 2020).
"Giảm đột ngột một lúc 5%, mà một phần trăm của TP HCM thì số tuyệt đối rất lớn, rất khó cho thành phố", bà Tâm nói.
Tương tự, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho biết, năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tỷ lệ điều tiết phần ngân sách Đà Nẵng được giữ lại chỉ còn 68%, giảm mạnh so với tỷ lệ 85% giai đoạn 2011-2016. Trong số 16 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách giai đoạn 2017-2020, Đà Nẵng là địa phương được huy động tăng cao đột biến với tỷ lệ 17%.
“Tôi cho rằng tỷ lệ điều tiết như vậy là quá cao, đột ngột và bất ngờ, Trung ương đang dồn về cho Đà Nẵng quá nhiều khó khăn”, ông Quang nói và cho biết thành phố đang rất cần nguồn lực để thực hiện các chương trình như xây dựng ký túc xá cho sinh viên; chung cư, chỗ ở cho công nhân; triển khai hệ thống xe buýt trợ giá…
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Giang Huy |
"Mối quan hệ gắn bó máu thịt"
Giải trình các ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói tỷ lệ điều tiết thu của từng địa phương năm 2017 là kết quả tính dựa trên cơ sở dự toán thu, nhu cầu chi theo định mức để đảm bảo quan hệ Hiến định về phân cấp, trong đó ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Ông cũng cho hay, 63 tỉnh, thành có hạ tầng, dân số khác nhau, quy mô kinh tế không giống nhau nên thu ngân sách cũng khác. Hiện TP Hà Nội và TP HCM chiếm 50% tổng thu cả nước. Tính chung, 16 địa phương trọng điểm đóng góp 85% tổng thu ngân sách.
Trong khi, có những tỉnh như Bắc Kạn, số thu một năm dưới 600 tỷ đồng, chưa bằng một ngày của TP HCM.
Nhấn mạnh thực tế các địa phương nhận hỗ trợ của ngân sách Trung ương đều nằm ở vùng sâu, vùng xa…, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng các thành phố lớn phải có trách nhiệm với những tỉnh khó khăn. “Các địa phương có thu ngân sách điều tiết về Trung ương như là 'gà đẻ trứng vàng', cần được đầu tư phát triển để đẻ trứng tiếp, nhưng cũng phải chia sẻ với địa phương khó khăn, không để khoảng cách phát triển doãng ra”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để bổ sung nguồn lực cho TP HCM, Chính phủ phân bổ thêm 1.823 tỷ đồng, trong đó 1.447 tỷ đầu tư phát triển, 376 tỷ chi thường xuyên. Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương cam kết hỗ trợ 10.000 tỷ đồng tiền thu từ bán cổ phần hóa để xử lý chống ngập cho thành phố; hỗ trợ thêm 8.800 tỷ đồng để đầu tư hai bệnh viện. Trung ương còn cam kết hỗ trợ cấp phát cho thành phố khoảng trên 3 tỷ USD vốn ODA, cho vay lại khoảng 1 tỷ USD để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, xử lý các vấn đề vệ sinh môi trường...
"Đất nước ta dù địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương, hay địa phương nhận hỗ trợ từ Trung ương, đều có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau cả về mặt tình cảm, trách nhiệm, kinh tế cũng như quy định pháp lý", Bộ trưởng Dũng bày tỏ.
Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Giang Huy |
"Công bằng tuyệt đối là khó"
Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính, hai vị đại biểu của TP HCM và Đà Nẵng lần lượt xin tranh luận.
Cho rằng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giải trình rất trách nhiệm, tuy nhiên theo bà Tâm, không riêng TP HCM mà nhiều địa phương nhận được kinh phí bổ sung từ Chính phủ.
"TP HCM sẵn lòng ủng hộ, vì cả nước, nhưng Chính phủ và Quốc hội xem xét để TP HCM làm ra của cải nhiều hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn. Chúng tôi không xin tiền để chi tiêu cho bộ máy, mà để giải quyết các điểm nghẽn về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường...", bà Tâm nói.
Ông Quang cũng bày tỏ quan điểm, Đà Nẵng được định hướng trở thành một đô thị lớn, là trung tâm phát triển ở miền Trung và Tây Nguyên, nhưng với mức điều tiết ngân sách về Trung ương quá cao thì "rất khó cho Đà Nẵng".
Một lần nữa giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính kêu gọi các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chúng tôi hiểu và mong muốn có nguồn lực để các thành phố phát triển tốt hơn, lan toả ra, nhưng công bằng tuyệt đối là khó".
Theo Bộ trưởng Tài chính, nguồn thu ngân sách Trung ương đang rất khó khăn, "lâu dài phải xem lại các sắc thuế, phân chia như thế nào nếu không ngân sách Trung ương sẽ mất vai trò chủ đạo, không đúng tinh thần Hiến pháp".
Hoài Thu - Võ Thành