Tô hủ tiếu có sợi to bản kiểu Tiều (người Tiều, chỉ những người gốc Tiều Châu, Triều Châu ở Trung Quốc), nước dùng có độ sệt, chỉ vừa xăm xắp, có màu nâu đục và thơm lừng vị đậu phộng rang, mè. Bí quyết chế biến nước dùng là sự kết hợp của gần 20 gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo mà khó tìm thấy ở các món hủ tiếu đơn thuần khác.
Tô hủ tiếu sa tế nai có vị cay nồng đậm đà. Ảnh: Lê Vân. |
Trên lớp sợi hủ tiếu là thịt nai được trụng tái, thực khách có thể gọi thêm gân và bò viên, sau đó cho thêm vài lát cà chua cùng dưa leo băm sợi, rau quế, ngò gai, tạo nên một món ăn ngon mắt, ngon miệng. Chủ quán còn mang thêm một chén nước chấm nhỏ có vị chua dịu để khách chấm thịt nai.
Vì được chế biến theo công thức gia truyền qua nhiều thế hệ, hủ tiếu sa tế nai vẫn giữ hương vị gốc của người Tiều, khi ăn cảm nhận được vị mềm của thịt nai, vị đậm đà của nước dùng sánh và sệt, thoảng mùi thơm của đậu phộng. Với những người không ăn được cay nhiều, nên dặn trước chủ quán để không gặp khó khăn khi thưởng thức món này. Độ cay của món ăn phụ thuộc vào lượng sa tế múc thêm vào tô khi mang đồ ăn cho khách.
Sợi hủ tiếu sa tế nai hơi giống sợi phở. Ảnh: Diadiemanuong. |
Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món hủ tiếu sa tế nai ở quán Tô Ký có nhiều địa chỉ trong quận 5, quận 6 do các anh em trong nhà Tô Ký mở. Nếu muốn ăn vào buổi sáng, nên ghé tiệm ở đường Gò Công, quận 5. Ngoài ra, còn có hủ tiếu sa tế nai Lâm Phát Ký ở đường Lê Quang Sung, quận 6, tiệm Nguyên Phát ở Nguyễn Trãi, quận 5. Giá một tô từ 45.000 đồng.
Xem thêm: Quán hủ tiếu sa tế lề đường hơn 50 năm ở Sài Gòn