- Chủ tịch Đường sắt: 'Chúng tôi không chủ trương nhập tàu cũ'
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sau hơn 2 năm tiến hành thanh tra.
Kết luận đề cập nhiều vấn đề, trong đó có việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng, gây lãng phí, kém hiệu quả. Cụ thể, trong 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003-2009), VNR đã quyết toán các dự án vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 29 tỷ đồng.
Nhiều dự án đầu tư máy móc, thiết bị đường sắt vượt tổng mức đầu tư. Ảnh minh họa: Đ.Loan |
Tổng công ty này cũng phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với loại có tính năng tương tự cùng thời điểm.
VNR đã lựa chọn các nhà thầu trong dự án đóng mới 300 toa xe hàng có gói giá thầu trên 2 tỷ đồng sai quy định; chào hàng cạnh tranh để mua các bộ giá chuyển hướng với giá trên 2 tỷ đồng...
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt đã góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trái quy định. Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR trái với nghị định của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Tổng công ty Đường sắt đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn nêu trên trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu. Do đó, Thanh tra đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ ngành rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên để đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng đánh giá VNR vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; việc quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Sau kết quả nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra; trong đó lưu ý các nội dung về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị; Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt; góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu… gây lãng phí, kém hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, sáng 1/9, lãnh đạo Tổng công ty đã giao các đơn vị liên quan làm rõ, thực hiện theo các nội dung đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ xử lý, thu hồi số tiền sai phạm theo kiến nghị của Thanh tra.
"Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện theo các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ ngay trong năm nay, dù kết luận Thanh tra không nêu rõ thời hạn", ông Hoạch nói.
Đoàn Loan