Xoài 'tí hon' có xuất xứ Trung Quốc

Trước thông tin gây tranh cãi về loại xoài “tí hon” (xoài mút) - sản phẩm bị đồn là hàng Trung Quốc có ruột làm bằng nylon, khảo sát của VnExpress cho thấy, sản phẩm này đang bán rầm rộ khắp các đường phố và chợ truyền thống TP HCM.

Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, chị bán sản phẩm này được hai tuần nay. Toàn bộ hàng được lấy ở chợ đầu mối Thủ Đức.

“Tuần đầu tiên mỗi ngày tôi bán được cả tạ với giá 35.000 đồng một kg. Nhưng gần một tuần nay vì tin đồn xoài có ruột làm bằng nylon, sức bán đã giảm tới 70%”, chị Hoa nói và cho hay, ban đầu khi đi lấy hàng, thương lái ở chợ đầu mối cho biết đây là sản phẩm của Châu Đốc (An Giang) nên mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, sau tin đồn, giờ đây mỗi ngày chị chỉ lấy khoảng chục kg và nhập thêm các sản phẩm khác về bán cùng để tránh thua lỗ.

xoai-ti-hon-co-xuat-xu-trung-quoc

Xoài mút có giá bán tại chợ 35.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà.

Cũng được thương lái đảm bảo sản phẩm có xuất xứ từ An Giang nên anh Thành, tiểu thương bán xe đẩy ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) mỗi ngày lấy 50-70kg. “Tuần đầu, ngày nào tôi bán hết ngày đấy, có khi chỉ đến xế chiều là đã hết hàng nhưng gần tuần nay buôn bán rất ế ẩm. Có lúc tôi phải cắt hột của nhiều loại xoài khác để so sánh nhằm xóa tan tin đồn ruột làm bằng nylon cho người tiêu dùng tin tưởng, nhưng vẫn ế ẩm”, anh Thành nói.

Vẻ mặt cũng buồn thiu khi bán sản phẩm này, chị Thanh tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) cho biết, các năm trước, chị có bán loại xoài Thanh Ca (An Giang) có hình dáng giống hệt xoài mút nên khi thấy sản phẩm về chợ chị lấy về bán liền. “Khi hỏi về nguồn gốc thì thương lái có cho biết là hàng Châu Đốc, tin tưởng tôi ăn thử thấy ngon nên nhập về bán. Bán được 5 ngày đầu khá chạy nhưng 2 ngày nay sức mua ế ẩm nên tôi chưa đi lấy đợt hàng mới”, chị Thanh nói.

Tại Hà Nội, loại xoài này cũng bán đầy các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Đồng Xa, Cầu Diễn và một số con đường, tuyến phố. Một tiểu thương trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) cho biết, loại quả anh bán là xoài Việt Nam giá 40.000 đồng một kg, khách có thể ăn thử trước khi mua. “Xoài này chỉ rộ vào tháng 7-8 nên nếu không mua thì sẽ không có cơ hội thưởng thức”, tiểu thương này nói và cho biết đã bán sản phẩm này được 2 năm nay.

Trong khi tiểu thương các chợ khẳng định sản phẩm có nguồn gốc Châu Đốc, trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn An Giang cho biết, loại xoài trái “tí hon” đang bán trên thị trường hiện nay hình thức và mẫu mã giống với xoài Thanh Ca của tỉnh. Tuy nhiên, xoài Thanh Ca được An Giang trồng với số lượng khá khiêm tốn và cũng đã hết mùa hơn tháng nay, nên sản phẩm bán trên thị trường chắc chắn không phải là xoài Châu Đốc.

Là một người gắn bó lâu năm với các sản phẩm nông nghiệp An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn An Giang xác nhận từ trước tới nay loại xoài mút trên không hề có trong danh bạ giống cây trồng của Sở. Nếu có thì chỉ có xoài Thanh Ca nhưng loại này không phải là sản phẩm hột lép và thịt có xơ, không giống với loại xoài đã mô tả ở trên.

Chia sẻ về nguồn gốc giống xoài "lạ", bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng xác nhận, xoài Thanh Ca (An Giang) đã hết hàng hơn tháng nay. Còn loại xoài mút nói ở trên có xuất xứ Trung Quốc. Sản phẩm được một công ty ở miền Bắc vận chuyển bằng container vào miền Nam. Mỗi đêm đơn vị này vận chuyển về chợ đầu mối với số lượng 40-50 tấn, giá bán sỉ 15.000-20.000 đồng một kg (tùy thời điểm).

Bà cũng cho biết thêm, để phân biệt xoài nội địa và hàng Trung Quốc có thể căn cứ vào các đặc điểm như: xoài Việt vỏ dầy, thịt xơ, có hột lớn. Còn xoài Trung Quốc vỏ mỏng, hột lép, thịt dày và không xơ.

Riêng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Hà cho hay, các lô hàng nhập về chợ đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu để kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Nếu sản phẩm thiếu an toàn sẽ bị cơ quan quản lý tịch thu. Còn thông tin xoài có ruột làm bằng nylon là bịa đặt, vì trong mỗi hột xoài đều có một lớp màng mảng bảo vệ hột.

Ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên nghiên cứu thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định tin xoài có ruột bằng nylon là tin đồn thất thiệt.

Theo ông, bên trong hạt xoài gồm có lớp xơ, rồi đến một lớp màng bọc lấy phôi trong cùng. Lớp màng này mỏng, trắng trong, khi phơi khô rất dễ bong ra. Người không biết tưởng là nylon, nhưng đây là cấu trúc tự nhiên của quả xoài.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam), thì giống xoài này rất giống xoài cốc/cu trồng ở Hà Tiên hay một số tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Ở miền Tây trước đây có rất nhiều giống xoài, tuy nhiên chỉ khoảng 20 giống có tên gắn với địa phương và được phổ biến trồng thương mại, ví dụ: xoài Cát Chu, Hòa Lộc, Thanh Ca, Tượng và các giống nhập như xoài Australia, xoài Đài Loan, xoài Thái…. Các giống còn lại không có tên tuổi rõ ràng và được người dân gọi chung là xoài cốc hay cu. Giống xoài này trái rất nhỏ và cây rất sai quả, thường thu hái từ các cây cổ thụ còn sót lại. 

Song Hà

Let's block ads! (Why?)