Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng hàng Việt và cả hàng Nhật, Hàn Quốc đều khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại thị trường Việt Nam.
Liên tiếp thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn, các đại gia bán lẻ Thái Lan đang khiến việc thất thế ngay trên chính sân nhà của hàng hoá Việt Nam chuyển từ nguy cơ đến gần hơn với thực tế. Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM vừa có kiến nghị lên Thủ tướng về thực trạng ngành bán lẻ, trong đó bày tỏ quan ngại về xu hướng chiếm lĩnh của các đại gia Thái Lan, với các chính sách cạnh tranh quyết liệt hơn để thâu tóm thị trường.
Doanh nghiệp Việt đang lo lắng hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường sau khi nắm được kênh phân phối. |
Hiệp hội cho biết đến nay, Thái Lan đã có nhiều thương hiệu bán lẻ hiện diện tại Việt Nam: Mega Market (tên gọi cũ là Metro, Tập đoàn BJC đổi tên sau khi mua lại), B’s Mart, Big C, Robinson. Ngoài ra, Thái Lan còn có thị phần tại ở nhiều siêu thị, tiêu biểu là Central Group nắm 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
Cùng với sự hiện diện này, hệ thống cửa hàng của người Thái cũng phủ sóng toàn quốc, từ thành thị về nông thôn: Mega Market có 19 siêu thị, Big C có 32 siêu thị, B’s Mart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Nguyễn Kim với 21 trung tâm hay chuỗi siêu thị Robinson chuyên bán đồ Thái...
"Xét về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh với hàng Thái. Ngay cả hàng Nhật, Hàn Quốc… cũng không có cửa vì hàng Thái rẻ hơn, phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt", Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhận định.
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, việc thâu tóm kênh phân phối, bán lẻ của Thái Lan đã tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt. Theo Hiệp hội, hàng Việt đủ tiêu chuẩn chất lượng vào siêu thị không khó nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào hệ thống có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, các siêu thị nước ngoài yêu cầu có giấy chứng nhận, kiểm định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế…giống như siêu thị nội nhưng lại đòi các mức chiết khẩu rất cao.
Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM còn "tố" một số siêu thị ngoại vi phạm quy định về mặt hàng không được phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài như: gạo, đường mía, thuốc lá và xì gà… Tuy nhiên, các siêu thị này vẫn bày bán mà không bị nhắc nhở hay xử phạt.
"Thị phần của các nhà sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm khả năng và sản lượng sản xuất, từ đó giảm khả năng cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại. Lúc đó, hàng ngoại sẽ chi phối thị trường trong nước”, Hiệp hội nhận định.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt triển khai đã đưa tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị lên 80-90%. Tuy nhiên, với việc hàng hoá Việt gặp khó khi vào các siêu thị nước ngoài sẽ khiến thị phần giảm sút. Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ việc gặp khó khăn khi đưa hàng hoá vào các siêu thị thuộc sở hữu của các đại gia Thái Lan.
Không chỉ thâu tóm kênh phân phối, tăng độ phủ sóng cho hàng Thái. Các đại gia Thái Lan còn tăng cường đẩy mạnh khâu sản xuất tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú cảnh báo, doanh nghiệp Thái đang thực hiện chiến lược vừa chiếm lĩnh phân phối bán lẻ, vừa đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam để tạo ra chuỗi kinh doanh khép kín.
Ông Phú lấy ví dụ, trứng gà, thịt gà tại các siêu thị lớn chủ yếu do Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam (công ty con của Tập đoàn C.P đến từ Thái Lan) cung cấp. Doanh nghiệp Thái làm ăn nghiêm túc, bài bản nên doanh nghiệp Việt rất khó để cạnh tranh.
Hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thuỷ sản, với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến xây dựng trang trại, chế biến thực phẩm… sản phẩm của các doanh nghiệp như vậy được tối ưu hoá, có sức cạnh tranh lớn. Đến nay, một doanh nghiệp như C.P đã chiếm 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà công nghiệp, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.
Hay như ngành nhựa, hiện các doanh nghiệp Thái đang tăng tốc thâu tóm thị phần các doanh nghiệp Việt nhằm đón đầu xu thế hội nhập và mở rộng thị trường tại nước có 90 triệu dân.
Tập đoàn đa ngành Xi-măng Siam (SCG) của Thái Lan hiện nắm tới 20,4% cổ phần của Nhựa Bình Minh, 23,84% cổ phần của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành… Đây đều là các doanh nghiệp nhựa lớn hoạt động trong các lĩnh vực nhựa gia dụng, công nghiệp... có vai trò chi phối thị trường nhựa Việt Nam.
Ông Phú cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải suy nghĩ nghiêm túc về đối thủ để nâng cao sức cạnh tranh bởi trong kinh doanh, ai nắm được kênh phân phối sẽ giành phần thắng.
Trước đây khi Big C hay Metro trong tay người Pháp, Đức, doanh nghiệp Việt không quá lo lắng trước việc hàng hoá của những nước này tràn ngập thị trường bởi khoảng cách địa lý khá xa, cơ cấu hàng hoá ở phân khúc cao cấp hơn so với hàng Việt.
Nhưng nay, các hệ thống phân phối vào tay người Thái, ông Phú lại cho rằng đó là một nguy cơ bởi hàng Thái có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), khả năng cạnh tranh của hàng Thái sẽ cao hơn.
Một doanh nghiệp Việt chuyên nhập khẩu hàng Thái cho biết việc vận chuyển hàng hoá từ Thái Lan về Việt Nam rất đơn giản: "Chỉ cần gửi tàu hoả sau một ngày đêm có thể về đến Việt Nam". Các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần ở nhà chọn mẫu online và phía Thái Lan sẽ hỗ trợ đóng gói và gửi sản phẩm sang Việt Nam.
Để chống lại xâm lấn của hàng Thái, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện, cho ra những hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. "Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý", ông Phú khẳng định.
Trong quý I/2016, người Việt đã chi 1,8 tỷ USD mua hàng hoá Thái Lan. Trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh của người Thái như rau quả, ôtô, hàng điện gia dụng, hàng nhựa… Trước đó, năm 2015 kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 8,3 tỷ USD.