Nữ du khách bị cưỡng bức khi đang đi nghỉ ở Hàn Quốc

Airdrie Mattner, 25 tuổi, cho biết cô bị đánh thuốc, bắt cóc và cưỡng bức hồi tháng 9/2015 nhưng các nhà chức trách Hàn Quốc tỏ ra thờ ơ với lời tố cáo của cô. Mattner đang kêu gọi vốn từ cộng đồng (crowd-funding) để bắt đầu chiến dịch đưa kẻ thủ ác ra trước công lý.

nu-du-khach-bi-cuong-buc-khi-dang-di-nghi-o-han-quoc

Airdrie Mattner quyết tâm theo đuổi vụ kiện tới cùng. Ảnh: Supplied.

Cô thành lập trang web GoFundMe để gây quỹ cho việc theo đuổi các hành động pháp lý tại London, nơi kẻ cưỡng bức cô sinh sống.

Tính đến hết ngày 31/3, Mattner đã kêu gọi được 12.900 USD tiền hỗ trợ. Cô sẽ dùng số tiền này để chi trả cho chuyến đi Hàn Quốc vào tháng 5 tới với hy vọng thu thập được hồ sơ vụ án và ít nhất hai chuyến tới London.

Kể từ lúc Mattner đăng tải câu chuyện của mình, rất nhiều người liên lạc với cô để tiết lộ chuyện riêng của họ. “Hơn 17 vụ việc tương tự đã xảy ra tại Seoul nhưng tất cả đều nhận phải thái độ thờ ơ từ chính quyền Hàn Quốc”, Mattner nói rõ trên trang gây quỹ của mình. “Vụ việc này thực sự rất đau lòng nhưng cũng mang cho tôi can đảm để làm điều đúng đắn”.

Mattner, người Australia, hiện giảng dạy tiếng Anh ở Nhật Bản. Cô một mình du lịch tới Seoul vào ngày 25/9/2015 để tham gia một cuộc vui chơi trong khu vực sinh viên Hongdae.

Sau đó cô được đưa lên taxi bởi một người đàn ông, người sau đó đã cưỡng bức cô. “Tôi nhớ đã cầu xin lái xe taxi đưa tôi quay trở lại ký túc xá nhưng anh ta lờ đi và chỉ làm theo lời của người đàn ông bên cạnh”, Mattner kể lại.

“Điều tiếp theo tôi nhớ là đang trên một chiếc giường trong khách sạn với người đàn ông bên cạnh. Tất cả tiền bạc bị lấy mất, quần áo và đồ đạc bị xé rách vương vãi khắp phòng”.

Cô ngay lập tức báo cho cảnh sát và thậm chí phải chịu rất nhiều sự kiểm tra xâm phạm. Nhưng rồi cô sợ hãi khi viên cảnh sát không thực hiện các thủ tục điều tra phù hợp, cũng chẳng thu thập bất cứ mẫu DNA nào. “Họ cũng chẳng tiến hành kiểm tra mẫu thuốc trong người tôi, dù trước đó tôi nói rõ rằng mình bị đánh thuốc”.

Ngày hôm sau cô nhận được yêu cầu kết bạn Facebook từ kẻ tấn công. Cô ngay lập tức chuyển lại thông tin cho cảnh sát, tuy nhiên họ đã xóa tên anh ta khỏi danh sách kẻ tình nghi vì hồ sơ cho thấy anh ta không ở trong nước thời điểm đó.

“Sau khi mất tất cả niềm tin vào hệ thống pháp luật Hàn Quốc, gia đình tôi quyết định theo đuổi công lý tại London”, Cô tâm sự.

Một nhân viên cảnh sát thành phố Seoul phụ trách điều tra tội phạm tình dục nói với tờ Korea Herald rằng, họ đang nghiêm túc xem xét vụ án, đồng thời sẽ có biện pháp cần thiết và như nhau cho cả người Hàn Quốc và người nước ngoài.

Ông cũng cho biết, nạn nhân đã được đưa tới cơ sở y tế Sunflower Women 36 để kiểm tra và tới Children’s Care để lấy lời khai khi vụ cưỡng bức xảy ra. Các hồ sơ y tế được gửi tới Trung tâm Khoa học quốc gia và Điều tra tội phạm để nghiên cứu.

“Trong trường hợp nạn nhân nước ngoài vướng vào một vụ án tình dục, họ sẽ gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ và không có người dịch đầy đủ thông tin phức tạp. Nạn nhân cũng có lý do để nghi ngờ kết quả nhưng việc điều tra có thể đóng lại khi không thể lần theo nghi phạm và bằng chứng”, ông này nói.

Xem thêm: Năm ngư dân Campuchia cưỡng hiếp du khách Pháp

Hải Thu

Let's block ads! (Why?)