Trước thềm đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng nhu cầu được đào tạo, chỉ dẫn của người kinh doanh là rất lớn, nhưng những án phạt, thậm chí truy tố lại là điều chờ đợi họ thường xuyên hơn.
Cuối tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM. Trước cuộc gặp, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ thành phố đã có những chia sẻ về tâm tự, nguyện vọng của giới doanh nhân.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế phát triển mạnh, quốc gia cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo tỷ lệ này, Việt Nam cần tối thiểu 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động… Vì vậy, việc xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là vấn đề sống còn.
Những ngày gần đây, là một doanh nhân, tôi có cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì cảm nhận được quyết tâm của những người lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong việc nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. TP HCM, Đồng Tháp, Bến Tre... là những địa phương chọn khởi nghiệp là trọng tâm trong chương trình hành động.
Doanh nhân được lãnh đạo gần gũi, lắng nghe nhiều hơn.Thời điểm sau Tết, tôi được gặp và trao đổi thân tình với lãnh đạo Thành phố. Câu chuyện không dừng lại là giải quyết khó khăn hiện tại của doanh nghiệp mà là sự hiệu triệu cùng chung tay xây dựng TP HCM hiện đại, nghĩa tình cũng như sự cam kết đồng hành của lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố.
Tôi còn nhớ một chiều muộn tại UBND TP HCM, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong và Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư - ông Sử Ngọc Anh đã dành hơn 2 giờ để trao đổi với Thường trực Hội Doanh nhân trẻ về các vấn đề xoay quanh chuyện khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ thành phố có nhiều tâm tự nguyện vọng của giới doanh nhân trước thềm gặp Thủ tướng. |
Một tư tưởng nhất quán là tinh thần khởi nghiệp không chỉ dừng ở những bạn trẻ đang chập chững vào đời và thành lập công ty mà những doanh nghiệp đang tồn tại, thậm chí đã có vị trí vững chắc trên thị trường cũng cần phải có. Tinh thần khởi nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp luôn đổi mới, sáng tạo và vươn đến những tầm cao mới.
Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận sẽ phải đào tạo tinh thần khởi nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức có liên quan để họ thấu hiểu, đồng cảm và hỗ trợ thiết thực cho doanh nhân. Trong cuộc họp này, tôi đã đề nghị, nên đưa môn học “Kinh doanh cơ bản” vào chương trình đào tạo từ lớp 6. Học sinh Việt Nam nên được làm quen với các khái niệm kinh doanh cơ bản từ nhỏ và điều này sẽ giúp hình thành tư duy kinh doanh trong thế hệ trẻ.
Tôi nghĩ rằng, việc hỗ trợ khởi nghiệp cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Cụ thể, hãy giúp đỡ những “kẻ khởi nghiệp khù khờ” bằng việc đơn giản hóa các thủ tục, đơn giản hóa các loại giấy phép. Hãy chỉ bảo tận tình doanh nhân khởi nghiệp bằng các khóa đào tạo về quy định, luật thay vì “đòn roi” với những biên bản phạt hành chính với số tiền “cắt cổ” thậm chí truy tố như trường hợp chủ quán Xin Chào.
Khi nói về khởi nghiệp, tôi không chỉ nghĩ đến việc làm sao giúp thanh niên mở công ty mà điều quan trọng nhất là tạo điều kiện để những doanh nghiệp đang hoạt động có thể kinh doanh hiệu quả. Vì doanh nghiệp hôm nay là hình ảnh tương lai của khởi nghiệp. Vì vậy, rất cần sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền, ban ngành các cấp.
Tôi có cảm giác buồn khi nhận thấy tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp dường như chỉ mới có ở cấp lãnh đạo cao nhất. Ở bộ máy bên dưới, vẫn còn nạn quan liêu, cửa quyền và vòi vĩnh, tham nhũng, làm nản chí nhiều doanh nhân và gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh.
Có nhận định cho rằng thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta còn nhiều hạn chế, cải thiện còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...
Tuy nhiên, để thực hiện những thay đổi, cải cách này thì không ai khác, chính là đội ngũ công chức viên chức phải thực hiện. Qua khảo sát của cá nhân tôi, không thể có một nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững nếu như đội ngũ công chức viên chức của quốc gia đó yếu kém và thiếu chuyên nghiệp.
Tôi thường nghe những lời than phiền của doanh nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài về thủ tục hành chánh rườm rà, bất cập, không rõ ràng, làm xấu đi môi trường đầu tư… Tuy nhiên, lờ mờ đằng sau những trở ngại đó, chính là những gương mặt của các công chức, viên chức.
Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn hiện nay, công chức viên chức đang giữ vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng, ban hành những cơ chế quản lý kinh tế phù hợp và cũng là người tổ chức triển khai những chính sách đó vào cuộc sống. Vì vậy, xây dựng đội ngũ này có tâm, có tầm đang là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ.
Nguyễn Tuấn Quỳnh