Trại chó Gong ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon là trại lớn nhất mà tổ chức Nhân đạo quốc tế (Humane Society International - HSI) đóng cửa. Thay vì buồn bã, Gong In-Young, chủ trại chó, cảm thấy hạnh phúc như chính mình được giải thoát.
Một nhân viên tổ chức Nhân đạo Quốc tế đang giải thoát các chú chó khỏi lồng. |
"Đó là việc kinh doanh đang chết dần", Gong In-Young nói khi chứng kiến các nhà hoạt động Mỹ dọn sạch những chuồng chó bán lấy thịt ở trang trại mà anh đã gây dựng chục năm qua. Gần 200 con chó, cả những giống đắt tiền như Golden Retriever, Siberi Husky, Rottweilers, Totass Nhật và Jindo Hàn Quốc bị nhốt trong lồng, sủa dữ dội khi đội cứu hộ đến giải thoát chúng.
Những con chó ở trại của Gong, một trong hàng nghìn trại khắp Hàn Quốc được lai tạo đặc biệt phục vụ mục đích tiêu dùng và nhốt trong lồng từ khi sinh ra đến khi bị giết thịt. Gong bắt đầu việc kinh doanh chó lấy thịt sau nhiều nỗ lực buôn bán bất thành khác. Anh khẳng định "chưa bao giờ tự hào" về trại chó của mình, đây chỉ là cách để anh kiếm sống.
Mỗi năm, anh bán được khoảng 200 con chó, với giá trung bình phụ thuộc vào cân nặng, khoảng 200 USD một con. Việc kinh doanh trại chó ở Hàn Quốc không yêu cầu bất kỳ loại giấy phép nào. Tuy nhiên, Gong cho biết luôn có các đoàn kiểm tra nhà nước đến để đảm bảo về vệ sinh và việc xử lý chất thải đúng cách. Hỏi phép so sánh giữa cuộc sống của chú chó nuôi tên Snow và đàn chó lấy thịt vừa được giải thoát, Gong nói: "Đó là sự khác biệt giữa thiên đường và địa ngục".
Sự thay đổi
Theo AFP, người Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 1,5 đến 2,5 triệu con chó mỗi năm. Nhưng ngành công nghiệp nuôi chó lấy thịt của nước này đang ngày càng lụi tàn. Bởi thế hệ trẻ Hàn Quốc tích cực tẩy chay thịt chó.
Một cuộc thăm dò được thực hiện ở Hàn Quốc năm ngoái chỉ ra rằng chỉ có 20% nam thanh niên ở độ tuổi 20 ăn thịt chó, bằng một nửa so với đàn ông ở độ tuổi 50 và 60. Gong cũng nhận thấy số lượng chó làm vật nuôi thân thiết trong gia đình ngày càng tăng, một nhân tố quan trọng khiến lượng tiêu thụ thịt chó giảm mạnh. "Trong quá khứ, con người ăn chó vì không có gì khác để ăn. Nhưng ngày nay, những người trẻ chẳng việc gì phải ăn chúng", Gong nói. "Việc này trở nên kỳ quái".
Những chú chó được chuyển về Mỹ và Canada để nhận làm vật nuôi. |
Tổ chức Nhân đạo Quốc tế đã giải cứu tổng cộng 225 con chó vào năm ngoái, đóng cửa 4 trại nuôi chó lấy thịt. Hầu hết chó được chuyển đển Mỹ và Canada để được nhận nuôi. Mỗi chủ trại chó bị đóng cửa sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ khoảng 60.000 USD tùy vào số chó có ở đó, nhằm khuyến khích họ đầu tư vào các công việc kinh doanh nhân đạo hơn như trồng việt quất hay ớt xanh.
Ngoài những cuộc giải cứu, HSI còn tìm cách nâng cao nhận thức người dân về sự tàn ác tại các trang trại thịt chó. Hàn Quốc đang chuẩn bị đăng cai thế vận hội mùa đông 2018, là dịp cả thế giới chú ý hơn đến xứ sở kim chi, một cơ hội tốt để thúc đẩy tầm nhận thức của người dân về thịt chó.
Các nhà chức trách Hàn Quốc rất nhạy cảm với việc công khai tiêu cực của ngành công nghiệp thịt chó nước này. Bởi thế, các nhà hàng thịt chó ở Seoul đã bị đóng cửa trước khi thế vận hội diễn ra.
Cuộc sống của những con chó lấy thịt và chó vật nuôi giống như địa ngục và thiên đường. |
Xem thêm Lễ hội thịt chó ở Trung Quốc có nguy cơ bị cấm
Ảnh: AFP