Henley & Partners, công ty toàn cầu về quy hoạch cư trú và quốc tịch, vừa công bố bảng chỉ số giới hạn thị thực của các nước trên thế giới lần thứ 11.
Đức là quốc gia đứng vị trí số một khi công dân nước này được 177 nước trên thế giới miễn thị thực. Thụy Điển xếp hạng hai với 176 nước miễn visa. Pháp, Italy, Phần Lan và Anh đều đứng thứ 3 với 175 quốc gia không yêu cầu thị thực. Mỹ xếp hạng 4, tụt 3 bậc so với vị trí năm 2015.
Top 10 năm nay có tới 28 quốc gia, Hungary được thêm vào danh sách, Malaysia tụt xuống vị trí thứ 12 sau 3 năm nằm trong top dẫn đầu. Với chương trình Visa Vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoài khối EU, Bồ Đào Nha tiến lên vị trí thứ 6 với 172 nước miễn visa.
Dẫn đầu khu vực Trung Đông là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, tăng 2 bậc với hộ chiếu được miễn thị thực tại 122 quốc gia. Sự thay đổi này là do EU quyết định miễn thị thực tại 36 nước với hộ chiếu Các Tiểu Vương quốc Ả Rập vào năm ngoái, bao gồm cả 26 nước thuộc khối Schengen.
Cuốn hộ chiếu của công dân Đức đi qua được nhiều cửa khẩu nhất thế giới. Ảnh: UK. |
Tonga, Palau, Colombia và Timo Leste đã có những bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng những hộ chiếu “quyền lực” trên thế giới. Đứng chót bảng xếp hạng là Somali, Iraq, Pakistan và Afghanistan, những quốc gia có hộ chiếu được xem xét “chặt” nhất thế giới.
Marco Gantenbein, đối tác điều hành Henley & Partners tại Dubai, cho biết ngày nay còn tồn tại nhiều chênh lệch giữa mức độ tự do di chuyển giữa các quốc gia dù xu hướng toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Việc yêu cầu thị thực phản ánh rõ rệt mối quan hệ ngoại giao giữa các nước cũng như thỏa thuận hỗ trợ thủ tục cấp visa, hiểm họa an ninh và những mối nguy hại về hành vi vi phạm luật về thị thực và nhập cư.
Bảng xếp hạng năm nay có nhiều thay đổi đáng kể, chỉ có 21 quốc gia giữ nguyên vị trí so với năm 2015. Tuy nhiên, không có nước nào tụt quá ba hạng. Điều này phản ánh tình hình miễn thị thực nói chung vẫn đang được cải thiện trên toàn thế giới.
Xem thêm: Câu chuyện đằng sau các cuốn hộ chiếu
Phạm Huyền
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at http://ift.tt/jcXqJW.