Từng chinh phục Fansipan năm 2013, anh Nguyễn Sỹ Đức (Hà Nội) quay trở lại Sa Pa (Lào Cai) cuối tuần qua để trải nghiệm hành trình mới lên nóc nhà Đông Dương, bằng cáp treo. Theo anh, hành trình được rút ngắn rất nhiều mà vẫn thấy được cảnh đẹp dưới thung lũng. Không cần mang giày chuyên dụng, anh Đức vẫn có thể leo lên khu vực có gắn chóp inox. Tuy nhiên, cảm giác của anh khi tới đích lại hoàn toàn khác so với trước đây.
"Tôi thấy hụt hẫng lắm, không phải là sự ích kỷ mà bởi ý thức kém của nhiều người. Trên đỉnh thì đông nhưng ai cũng muốn nhao lên chụp hình với chóp, giống như cái chợ vậy. Sự quản lý không tốt làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của ngọn núi này", anh Đức bày tỏ.
Anh cho biết trước đây khi lên đỉnh Fansipan, không phải lúc nào cũng vắng nhưng khi nhiều người cùng lên một lúc, mọi người luôn biết nhường nhau để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ với chóp inox. "Bây giờ trên đỉnh quá đông, ai cũng muốn giữ chóp, chụp một mình không được vì xung quanh quá lộn xộn", anh bức xúc.
Khung cảnh đông đúc, nhốn nháo trên đỉnh Fansipan ngày 27/2. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức. |
Anh Lê Hồng Quang, một trong những người "khai sinh" chóp inox trên đỉnh Fansipan, cho biết tình trạng đông đúc trên nóc nhà Đông Dương không phải là điều mới. Nhiều năm qua khi chưa có cáp treo, những ngày nghỉ dài như dịp 30/4, 2/9, Tết... trên đỉnh có ngày tới hơn 100 người. Đỉnh Fansipan ngày đó nhỏ, lượng khách như vậy là rất đông. Từ khi có cáp treo, trên đỉnh có sân vọng cảnh nên đã an toàn hơn rất nhiều.
Với những người chinh phục Fansipan cả bằng đường bộ và cáp treo như anh Đức, anh Quang đều cho rằng mỗi hành trình đều có sự thú vị riêng và lựa chọn phụ thuộc vào sở thích, sức khỏe của mọi người. Anh Quang kể, thực tế từng có bạn chinh phục Fansipan bằng cách thuê người cõng xuống vì đã không chuẩn bị tốt cho sức khỏe. Do đó, với những người có bệnh về tim, huyết áp, tuổi cao, cáp treo đã giúp họ được đặt chân đến nơi mà họ chỉ biết qua sách báo.
"Cách để cân bằng giữa phát triển du lịch, thu hút khách mà vẫn giữ được tinh thần chinh phục cho đỉnh Fansipan chính là phát triển cả hai loại hình chinh phục Fansipan với nguyên tắc rõ ràng về bảo hiểm, bảo vệ môi trường, an toàn. Hiện nay, ai leo núi sẽ được trao tặng một chứng nhận đã chinh phục Fansipan. Đây là cách mà từ năm 2008, khi chúng tôi làm chóp đặt trên đỉnh Fansipan đã tư vấn cho Vườn Quốc gia. Nó cũng là một cách phát triển và giữ tinh thần chinh phục đỉnh Fansipan”, anh Quang nói.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc khai thác, quản lý đỉnh Fansipan ra sao. Theo anh Đức, để giữ gìn trật tự, văn minh cho khu vực chóp inox, đơn vị quản lý nên làm một đường rào nhỏ vừa một người đi để mọi người có thể lần lượt chụp xong rồi xuống, tránh tình trạng chen lấn, nhốn nháo như hiện nay. Về tình trạng du khách thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi trên đỉnh Fansipan, anh Quang cho rằng: "Hãy nhìn đoàn làm phim của Mỹ khi đến Sơn Đoòng, họ đã mang mọi thứ không phải của rừng ra khỏi rừng, kể cả chất thải của họ". Do đó, giữ gìn vệ sinh trên nóc nhà Đông Dương cũng là cách bảo vệ môi trường rừng Hoàng Liên.
Xem video du khách vây kín chóp inox:
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at http://ift.tt/jcXqJW.