Cổ đông lo Masan gặp rủi ro khi chi quá nhiều tiền mua Vissan

Việc Masan chi 1.424 tỷ đồng để mua 14% cổ phần của Vissan được cổ đông đánh giá là canh bạc nhiều rủi ro khi mà số lượng cổ phiếu nắm giữ chưa đủ để chi phối doanh nghiệp.

Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Masan ( Mã CK: MSN) sáng ngày 4/1 ở TP HCM nóng lên khi nhiều cổ đông lo lắng việc vừa qua Masan đã mạnh tay trong việc mua lại 14% cổ phần Công ty Vissan với giá 126.000 đồng một cổ phiếu (tương đương 1.424 tỷ đồng). Nhiều cổ đông đặt ra câu hỏi, liệu bỏ ra số tiền quá lớn để mua số lượng cổ phiếu không đủ để chi phối Vissan là canh bạc nhiều rủi ro?

Đáp lại băn khoăn, đại diện Masan Nutri - Science (MNS) cho hay, nếu xem Vissan là một cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán thì đây quả là một việc làm rủi ro vì giá trị đưa ra quá cao. Tuy nhiên, xét về mặt chiến lược đầu tư dài hạn thì Công ty sẽ đạt được nhiều giá trị cộng thêm. Bởi lẽ, trước khi có ý định đầu tư, Công ty đã tìm hiểu và đánh giá được năng lực của Vissan. Đây là một doanh nghiệp về thực phẩm lớn trên thị trường, có quy trình sản xuất tốt. Khi tham gia vào chuỗi giá trị này, Công ty sẽ hoàn thiện hơn mô hình 3F (Farm-Feed -Food). 

"Chúng ta sẽ không còn là đơn vị chỉ bán thức ăn chăn nuôi đơn thuần mà công ty sẽ tham gia vào chăn nuôi, bán thịt gia súc có nguồn gốc xuất xứ. Với lĩnh vực này, công ty mong muốn sẽ đạt lợi nhuận cao nhất, tăng trưởng trên 30% trong năm nay. Khi kết hợp với Vissan, MNS sẽ dẫn đầu thị trường về nguồn đạm động vật ở Việt Nam. Hy vọng, 3-5 năm tới chúng ta có đủ cung ứng sản phẩm thực phẩm có kiểm soát nguồn gốc từ đầu ra đầu vào cho TP HCM", đại diện MNS nói.

co-dong-lo-masan-gap-rui-ro-khi-chi-qua-nhieu-tien-mua-vissan

Cổ đông liên tục đặt hàng loạt câu hỏi liên quan tới Vissan. Ảnh: Thi Hà.

Với ngành hàng nước giải khát, đại diện Masan Consumer Holdings (MCH) cho hay, ngành này đang có sức tăng trưởng tốt. Với 2 thương hiệu Vĩnh Hảo, Quang Thanh đơn vị này tự tin sẽ đạt doanh số 1.000 tỷ đồng trong 2016. Bên cạnh đó, MCH cho biết đang phát triển mạnh nguồn nước khoáng địa phương, đẩy mạnh hệ thống phân phối để đa dạng hóa sản phẩm.

Cũng tại đại hội, Chủ tịch HĐQT - ông Nguyễn Đăng Quang còn kỳ vọng, Masan sẽ trở thành nhà cung cấp Vonfram đáng tin cậy trên toàn cầu. Cụ thể, nếu không tính Trung Quốc thì Masan là nhà cung cấp Vonfram số một toàn cầu với thị phần khoảng 36%. Masan đã nâng cấp từ quặng thành hóa chất Vonfram, giúp giá trị tăng gấp 2,5 lần. Ngoài ra, giá thành sản xuất mỏ Núi Pháo cũng ở mức thấp nhất trên thế giới. Hiện nay, biên lợi nhuận của mỏ này đang cao nhất trong các nhóm ngành, trên 50%.

Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết, hiện nay tất cả những nhóm ngành mà Masan đang đầu tư đều có mức tăng trưởng tốt. Doanh thu ở các ngành này ở mức cao và lợi nhuận luôn 2 con số. 

"Dẫu có mức lợi nhuận khá tốt nhưng Công ty chưa thể chia cổ tức cho cổ đông là vì chúng tôi tin rằng giữ được tiền mặt trong hệ thống lớn thì công ty sẽ có nhiều cơ hội hơn và luôn được xem là đối tác hùng mạnh. Hiện nay Masan có hơn 1 tỷ USD trong hệ thống thì việc hoàn vốn cho các nhà đầu tư cũng sẽ luôn ở mức cao nhất", ông Quang giải thích trăn trở của cổ đông về việc suốt thời gian dài chưa một lần chia cổ tức.

Năm 2016, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2016 từ 42.000 đến 45.000 tỷ đồng (tăng từ 37 lên 47% so với năm 2015) và lợi nhuận sau thuế từ 1.900 lên 2.000 tỷ đồng (tăng 29-35%). Trong năm 2015, Tập đoàn này đạt 31.324 tỷ đồng doanh thu và  2.527 tỷ đổng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 91% và 24% so với năm 2014.

Thi Hà

Let's block ads! (Why?)